Ký sự Thái Lan – Royal Project – Có một Dự án Hoàng gia như thế

Ký sự Dự án Hoàng gia – Có một Dự án Hoàng gia như thế

Khi Đức vua Thái Bhumibol Adulyadej mới lên ngôi, gia đình hoàng gia chuyển đến Chitralada Villa, Dusit Palace. Và cũng từ đó, đất đai quanh lâu đài đã dần dần trở thành vùng đất thí nghiệm cho nhiều dự án khác nhau với chi phí từ tiền túi của đức vua. Nhận ra rằng dân mình đang bị suy dinh dưỡng, ông đã thử nghiệm nhân giống cá, biến hồ bơi của mình thành một ao cá để nuôi cá rô phi mosambica để người nghèo ở nông thôn có được nguồn cung cấp đạm dễ kiếm. Sau đó, những giống cá tốt nhất được đưa ra cho các quan chức chính phủ và những người nông dân để nhân giống và chăn nuôi rộng rãi.

Bắt đầu từ đó, các dự án với tên gọi Royal Chitralada Projects được ông tiếp tục, nhằm mục đích làm các hình mẫu cho ngành nông nghiệp. Dự án này sớm bao gồm cả những cánh rừng trồng thí điểm, các đồng lúa thí nghiệm, trang trại nuôi bò sữa, sản xuất khí sinh học, trồng các loại cây, nhân giống bò, nhà máy sữa, phó mát, nhà máy lúa gạo, nhà máy xay xát và làm bột từ cây trồng, làm nước trái cây, nhà máy chưng cất rượu cồn để nghiên cứu nhiên liệu… từ những năm 1950s.

Danh sách những cái gọi là Royal Project hay Royal Program của ông, và sau đó của Hoàng hậu, các hoàng tử, công chúa, ngày càng dài, phải đến hàng trăm, bao gồm việc cải tạo và gìn giữ tài nguyên như cải tạo, nuôi dưỡng đất (như trồng xen canh thay vì đốt rừng làm rẫy) và nước (như xây hồ giữ lại nước mưa ở ven biển), mưa nhân tạo, nhiên liệu sinh học, nghiên cứu và nuôi trồng cũng như chế biến các sản phẩm đầu ra…

Riêng về Royal Project đã đẩy lùi hoàn toàn thuốc phiện khỏi vùng đồi núi phía Bắc Thái Lan, thay thế vào đó một vùng xanh tươi cây trồng, hoa trái, bắt đầu từ Trại Nông nghiệp Doi Angkhanghttp://www.angkhangstation.com/ năm 1969. Cho đến năm 1992, nhà vua lập “The Royal Project Foundation” (Tổ chức Dự án Hoàng gia) như một tổ chức có tư cách pháp nhân với hệ thống hành chính và quản lý hiệu quả. Ngày nay, Tổ chức Dự án Hoàng gia hiện có bốn trung tâm nghiên cứu và 39 Trung tâm Phát triển Dự án Hoàng gia ở 6 tỉnh phía bắc Thái Lan là Chiang Mai, Chiang Rai, Mae Hong Son, Phayao, Lamphun và Tak. Ba nhiệm vụ chính của các Trại nông nghiệp là nghiên cứu Nông nghiệp vùng cao, nhiệm vụ phát triển và đào tạo, phát triển và mở rộng nghề nghiệp (bao gồm cả viêc khôi phục các làng nghề truyền thống bên cạnh việc làm nông). Mục tiêu là để phát triển giống cây trồng và vật nuôi cho từng khu vực cụ thể, chuyển giao kiến thức cho nông dân và hỗ trợ khôi phục tài nguyên thiên nhiên. Hiện tại, tổ chức đang hỗ trợ cho 42.742 gia đình, bao gồm 183.744 người. (Chúng tôi có hỏi anh phụ trách Marketing về thu nhập của hộ gia đình ở đây. Anh nói có gia đình thu nhập đến 3 triệu baht/năm, nghĩa là đâu đó khoảng 2 tỷ đồng, nhờ trồng dâu tây.)

angkang-31-03-12_33

Trại Nông nghiệp Doi Angkhang hiện là điểm thăm quan chính để mọi người biết đến Royal Project. Lượng du khách đến thăm quan ngày càng tăng, chủ yếu là người dân Thái, và ngày càng có nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến đây, không chỉ để ngắm cảnh, mà còn để học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng cây, giáo dục và văn hoá. Trại Nông nghiệp Doi Angkhang có những vườn cây (đào, lê, mận, kiwi…), vườn rau, vườn hoa luôn khoe sắc. Đặc biệt, nơi đây có những luống hoa sặc sỡ, những bông opium (thuốc phiện) mà chỉ nơi đây mới được phép trồng, nhắc nhớ một thời đã qua.

dsc_0037 dsc_0043

Bên cạnh đó, là những bông hoa tím, trắng rất to, toả mùi hương ngai ngái đặc biệt của bắp cải, vì chúng chính là hoa bắp cải. Các bức ảnh đặc trưng của nơi này là cánh đồng với những hàng rau nhiều màu, cánh đồng chè xanh mờ ảo dưới màn sương, và những hàng cây xanh chen lẫn hoa đào hồng rực. Song Doi Angkhang nổi tiếng nhất vì nó được chọn ra để làm thí điểm cho mọi người thăm quan và biết đến Royal Project, còn những trại khác tập trung chủ yếu để hỗ trợ người nông dân, với các chương trình nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, và cả ngư nghiệp (như cá tầm để lấy trứng cá caviar).

img_0084 img_0726

Dự án hoàn toàn chỉ hỗ trợ về kỹ thuật (nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao cho người nông dân), cây giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra (tiếp thị, phân phối, sơ chế hoặc chế biến) với hệ thống cửa hàng, xử lý sản phẩm đạt chất lượng thế giới. Đất đai là của người dân, và họ trồng trọt với tư thế người làm chủ đất của mình. Người của dự án sẽ giúp người dân tìm hiểu thị trường, sau đó cùng bàn bạc với họ (chẳng hạn như chủ làng) để cùng vạch ra kế hoạch trồng trọt, sản xuất cây gì, vào vụ nào trong năm, với sản lượng bao nhiêu. Dự án cũng giúp người dân thay đổi giống cây trồng, luân phiên canh tác trên đất của mình, có thời gian cho đất nghỉ, để tránh làm đất bạc màu. Đất trồng trọt ở những vùng này ngày càng tốt hơn nhờ canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường, và còn nhờ rừng ngày càng xanh tươi.

%e0%b9%81%e0%b8%9b%e0%b8%a5%e0%b8%87%e0%b8%8a%e0%b8%b2-1 %e0%b9%81%e0%b8%9b%e0%b8%a5%e0%b8%87%e0%b8%8a%e0%b8%b2-2000-%e0%b8%8a%e0%b9%88%e0%b8%a7%e0%b8%87%e0%b9%80%e0%b8%8a%e0%b9%89%e0%b8%b2

Khi chúng tôi đến làng Nor Lae, ở gần biên giới với Miến Điện, 1 trong 4 ngôi làng ở xung quanh Trại Nông nghiệp Doi Angkhang, người dân ở đây đang ra vườn trồng rau. Một nhóm đàn ông đang cuốc đất. Một nhóm các chị phụ nữ đang nhổ lớp rau cũ cho lớp rau mới mọc lên. Bên cạnh có một đứa trẻ đang ngồi chơi cùng con chó lông vàng. Tất cả họ đều mặc trang phục truyền thống, của các chị và đứa bé có nhiều màu sặc sỡ. Các chị còn đeo vòng bạc quanh hông, và nhiều vòng quanh cổ tay. Họ vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Phía bên kia đường, là gian nhà kính để ươm cây (vì giờ đây họ trồng đến 12 vụ rau/năm). Tuy nhiên, đất chỉ trồng rau khoảng 30 ngày, rồi lại cho đất nghỉ 10 – 15 ngày. Cạnh phòng ươm cây con là khu làm phân hữu cơ bốc mùi ngai ngái. Phía ngoài gian phòng ươm cây là 3 tấm bảng trắng ghi kế hoạch vụ mùa trong năm.

dsc_0250 img20170216120417 img20170216120427 img20170216120502

Nhìn xuống khu nhà vườn trồng rau, phong cảnh có lẽ cũng không khác gì vùng Đà Lạt, Lâm Đồng. Bướm bay lượn khắp nơi, tôi hy vọng ở quê nhà mình cũng thế, với ý là nơi nhiều côn trùng là không dùng hoá chất, thuốc trừ sâu. Có lẽ cái khác lớn nhất là người dân ở đây không phải lo nhiều quá, họ chắc chắn sản phẩm làm ra được thu mua với giá đưa trước bởi Dự án. Rau củ quả họ trồng sẽ được nâng niu, trân trọng từ người thu mua, đến người tiêu dùng cuối cùng.

img20170216120333 img20170216120940 img20170216121122 img20170216122720

Dự án Hoàng gia quảng bá sản phẩm qua các cửa hàng Royal Project ở tại trại nông nghiệp, sân bay Chiang Mai, qua 10 cửa hàng ở Bangkok (các cửa hàng này có gian bán sản phẩm chế biến, đồ thủ công, rau quả tươi, thức ăn chế biến sẵn, và kèm quán cà phê bán thức uống và đồ ăn trông sang và đẹp). Hệ thống phân phối sản phẩm đến các hệ thống cửa hàng, siêu thị khác, các nhà hàng, hãng hàng không Thai Airways, và xuất khẩu.

dsc_0005 dsc_0007 dsc_0009 dsc_0010

Mỗi năm, thường vào tháng 8, Royal Project Foundation tổ chức triển lãm giới thiệu các sản phẩm mới của Dự án, và thường có việc chế biến nguyên liệu của Dự án bởi các đầu bếp hàng đầu của Thái Lan. Gourmet Trip cũng là sáng kiến của Vua Thái, mời các đầu bếp hàng đầu khắp thế giới đến để chế biến thức ăn Thái từ nguyên liệu của dự án, được các nhà hảo tâm đóng góp.

img20170216175807 img20170216175824 img20170216180223 img20170216180620

Khi đi tiếp đến vườn trồng dâu, tôi đi chậm nên tụt lại phía cuối đoàn. Phía trước tôi là một gia đình 3 thế hệ: ông bà – cô con gái và đứa cháu gái. Họ đi xe riêng sau đoàn, và từ từ đi bộ xuống dưới. Người chăm sóc khu này nhìn thấy gia đình, vui mừng chào đón họ, và cùng họ đi tiếp. Đến nhà trồng nấm, anh chăm sóc khu nấm cũng vồn vã chào đón họ như chào đón người thân lâu ngày về thăm nhà. Người bà đó là một công chúa, chồng bà là một trong những người tham gia đội trồng rừng đầu tiên. Con bà có người cũng tham gia làm tình nguyện cho Royal Project. Các cháu bà đang được dẫn đến đây, và chắc chắn, bà nói, chúng sẽ nối tiếp công việc hỗ trợ người nông dân, như cha ông chúng đã làm. Họ đi bộ như mọi người khác, không người hộ tống, và không đòi hỏi bất kỳ sự đối đãi đặc biệt nào, ngoài chính sự vui mừng chân thành của người dân ở đó.

dsc_0363

#RoyalProject
#gastronomytourism2017

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *