22.11.2023
Nhân dịp cô Helen sang Việt Nam dự hội thảo Giáo dục Steiner Waldorf toàn quốc lần thứ 1 tổ chức tại Vũng Tàu, cô ngỏ ý sẽ dành 3 ngày ra để giúp các giáo viên sắp đứng lớp 1. Cô nghe nói sẽ có 4 giáo viên, cô dự định sẽ cùng họ soạn giáo án cho năm học tới theo ý tưởng của mỗi người.
Bùm, đến ngày thì cô có đâu đó gấp 10 lần. Số len, lông cừu cô mang sang cho các bạn làm thủ công dù vô cùng dư dả giờ đâm ra thiếu một chút. Minh nhớ lần đầu tiên và lần thứ 2 cô qua, một bà lão hơn 70 tuổi đã một mình mang cái vali to bằng cái bàn, mang đủ hơn 20 bộ và lần sau là 30 bộ nguyên liệu làm thủ công cho lũ học trò Việt Nam và tài liệu và thật nhiều thứ khác. Vali đó Minh nâng không nổi. Khi về thì nó nhẹ bẫng vì cô mang theo cho mình có mấy bộ quần áo thôi. Quần áo cô mặc, bạn nào gặp cô qua nhiều năm có thể thấy chỉ có vài bộ suốt nhiều năm. Rất chỉn chu, đẹp sang nhưng không nhiều.
Lần thứ nhất cô còn mang thêm mấy chục cái kim khâu len. Lần thứ hai cô mang sang mấy chục cặp que đan mà bạn cô tự tay vót cho các thầy cô Việt Nam. Đến giờ làm thủ công, cô đi lượm những mẩu len vụn mà mọi người làm bỏ ra, cô quấn lại cẩn thận, bảo sợi còn hơi dài thì để khâu, sợi ngắn thì để nhồi. Minh may mắn được học cô từ những điều bé tí như vậy.
Cô hầu như không bao giờ đi chơi buổi tối, dù cứ đúng giờ tan tầm là cô sẽ đuổi mọi người về với gia đình “các con” đi! Vì thường cô sẽ ở lại trường. (Mà có lần mình nghe nói ở trường ngày xa xưa đó không có giường mà trải đệm dù chân cô đã từng thay khớp gối, cũng không có máy nóng lạnh). Cô sẵn sàng dành thời gian ngồi chỉ vẽ từng chút cho cô giáo nào năm sau đứng lớp. Sáng sớm cô sẽ dậy tập eurythmy và soạn bài.
Minh nhớ lại lần đầu tiên mình gặp cô là gần 10 năm trước, cô đã qua dự lễ tốt nghiệp của khóa đào tạo giáo viên mầm non SW đầu tiên ở Việt Nam. Ngày đó cô sang dự và kể câu chuyện “The Golden Key” – chiếc chìa khóa vàng. Khi đó Minh còn là một kẻ đầu óc khoa học, hay hỏi hay thắc mắc, muốn nhanh và nguy hiểm, cái gì cũng phải giải thích. Vậy mà Minh không hề hỏi gì cô dù câu chuyện kết thúc kiểu “và tất cả chúng ta sẽ phải chờ xem chiếc rương sau khi chìa khóa vàng mở ra sẽ có những gì?”. Cô từng hướng dẫn việc khi trẻ ồn ào, thì người giáo viên phải càng nói nhỏ lại. Mình làm theo cô có thể không được. Song cô ấy mà, có khi cô chỉ cần vào lớp, thì học trò đã ngoan hẳn rồi. Cái “uy” của cô, nó đến từ sự thông thái, tình cảm nồng ấm và hành động rõ ràng.
Module 1 Minh dịch cho cô cho khóa đào tạo giáo viên tiểu học đầu tiên là khóa học đầu tiên của giáo dục SW mà Minh dịch, sau đó là về xin nghỉ làm công ty, chuyển qua làm tình nguyện cho trường SW. Sau khi dịch cho cô, đã hình thành trong mình những “golden rules” – những nguyên tắc vàng, những cảm hứng, những ý tưởng, những tỉnh giấc (không dám nói giác ngộ), cho một con đường mà Minh đã chọn “người ra đi đầu không ngoảnh lại” trong cách dạy con, cách sống như một con người toàn diện, cách chọn lựa những giá trị cho bản thân mình. Được học cô một lần, bạn có thể có bức tranh toàn cảnh, có những ý tưởng và cảm hứng cho cả chục năm sau này.
Có rất nhiều, rất nhiều điều có thể kể về cô Helen. Ngay cả các giáo viên ở Úc sau này qua dạy chúng mình cũng có thể kể về lần họ gặp gỡ cô đã mở ra trong họ con đường như thế nào. Hay như việc cô đã làm, đã khởi đầu, đã nỗ lực từ việc tự học, rồi cùng học, sau đó đào tạo các giáo viên khác để bắt đầu chương trình SW ở Melbourne, Úc, nỗ lực để giáo trình SW ở Úc được chính phủ Úc công nhận, để trung tâm đào tạo giáo viên SW (Melbourne Rudolf Steiner Seminar) có chương trình đào tạo toàn thời gian 2 năm được các trường đại học khác công nhận cho qua học chuyển tiếp. Cô làm việc không nhận lương, với lý do chồng cô làm đã đủ tài chính lo cho cả gia đình (chồng cô làm trang trại cũng là một NGO). Cô bay sang Việt Nam đều không đòi hỏi trả lương, thậm chí cô sẵn sàng tự chi trả vé máy bay, ăn ở, bởi cô xem VN như nơi thứ 2 để cô giúp đỡ phát triển giáo dục SW.
Cô chưa bao giờ bảo ban, chưa bao giờ giảng đạo, ngoài những câu thật tâm như “Minh à, con phải hát mỗi ngày, đan mỗi ngày, vẽ mỗi ngày, thổi sáo mỗi ngày nhé!” Và rồi lần này, khi cô bảo Minh chỉ các bạn chưa biết đan gầy mũi, hoặc hỏi “sáo của con đâu” mà thấy Minh lắc đầu thì cô nhướng mày cười mà chao ôi là Minh xấu hổ! Cô hỏi thăm Minh về thầy cô này, lớp học kia, trường nọ. Cô gần như nhớ mỗi học sinh cô đã dạy, có thể không nhớ hết tên (vì tiếng Việt khác biệt) thì cô vẫn nhớ mặt. Nếu cô biết được chẳng hạn có bất đồng xảy ra giữa 2 bạn nào đó, cô ngay lập tức tìm cách gặp từng bạn để mời 2 bạn đến gặp nhau trước mặt cô, cùng nói chuyện để hiểu nhau, để kết nối lại.
Khi cô hướng dẫn trò chơi, vận động, Minh cứ nhìn bà lão 81 tuổi nhảy, bước nhanh, hay đơn giản là đi đứng cả ngày dài. Kể từ lần đầu gặp cô, Minh đã nghĩ có lẽ chính Minh mới là bà già. Còn cô, ánh sáng trong đôi mắt, sự nhanh nhẹn, bền bỉ, lạc quan trong từng cử chỉ, tình cảm nồng ấm trong nụ cười, tiếng nói (cô vẫn hát được giọng cao nhé), sự minh mẫn, thông thái trong suy nghĩ, thật sự là tấm gương, một con người mà Minh mong ước nỗ lực để become.
Điều cô không bao giờ ngại là lắng nghe và trả lời những câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc của các thầy cô, của trẻ. Lời cô lại rất ngại nghe là lời khen tặng, giới thiệu, cảm ơn mình. Cô thực tế, làm việc khoa học, đâu ra đó, vì thế, có cảm giác cô hầu như không mệt. Cô luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai, và hôm nay câu chúc lành cô hay nói nhất đó là “Blessings for your journey” và “All is well!”.
Cám ơn cô, con biết ơn cô thật nhiều! Đã có lần khi con tuyệt vọng trong khó khăn với con mình, nghĩ đến cô thực sự khiến con tin là “Mọi điều rồi sẽ tốt đẹp cả!” Và bây giờ con thật sự tin vào điều đó “All is well!”