Mirinda gục xuống, đầu cúi thấp và những giọt nước mắt tuôn trào. Trên hai vai cô, xương vai bắt đầu nhô lên và dài ra. Song nước mắt tuôn không hề vì cơn đau thể xác, cao hơn thế, là nỗi đau trong tim cô. Mọi điều từng xảy ra trước ra chạy qua loang loáng trong tâm trí.
Ngôi làng dưới những tán cây
Từ khi sinh ra, Mirinda thấy ngôi làng mình đầy cây xanh, và lúc nào cũng đầy trẻ con. Những đứa trẻ nói cười, vui đùa, chạy chơi khắp nơi, và người lớn ai cũng hiền hòa, hạnh phúc mỗi khi ở bên chúng. Ngôi làng của cô, khi cô còn bé, mọi người đều mạnh khỏe và đủ đầy, hòa thuận.
Cho đến một ngày, bỗng đâu có một khối rất lớn màu vàng kim rơi xuống từ trên trời cao, dân làng bắt đầu tò mò và rồi ai cũng muốn có một ít của khối vàng kim đó. Dân làng dần dần muốn sở hữu vàng kim và rồi đem vàng kim làm thước đo của mọi thứ. Họ không còn lấy hàng đổi hàng mà dùng vàng làm vật trao đổi. Thế rồi nảy sinh ra người giàu kẻ nghèo, và ai giàu hơn sẽ được trọng vọng hơn. Người ta bắt đầu yêu quý và thèm khát vàng hơn cả trẻ con. Những đứa trẻ không còn là trung tâm của ngôi làng nữa, thay vào đó là thứ kim loại đẹp đẽ nhưng lạnh lẽo.
Dẫu vậy, vẫn có một số người yêu thương và chăm sóc các em bé. Số người coi trẻ em quý hơn vàng cứ ngày càng ít đi, việc thì ngày càng nhiều thêm, vì họ phải cáng đáng công việc của những người còn lại, có khi là cả việc chăm sóc trẻ mà đáng ra cha mẹ chúng phải làm. Những người vì trẻ, tuy bề ngoài có vẻ mệt mỏi, gầy gò, quần áo đơn sơ, nhà cửa giản dị, song họ đều có khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng ngời, và một phong thái nổi bật so với những người còn lại. Và những người yêu trẻ, làm việc vì trẻ, mà dân làng gọi là “những kẻ khờ”, họ thật sự không hề quan tâm đến vàng, đến sự giàu sang, đến danh vọng, hay bất kỳ thước đo nào của xã hội khi đó. Họ chỉ hết lòng chăm sóc trẻ con, dạy dỗ chúng, yêu thương chúng, và hài lòng với số lương thực vừa đủ, tài sản hầu như chẳng có gì ngoài mái nhà để che mưa nắng và vài bộ quần áo che thân.
Khu rừng của những vị thần
Khi Mirinda tròn mười hai tuổi, cô bắt đầu được đi vào thám hiểm khu rừng bên cạnh làng. Đó là một khu rừng rậm rạp, với những cái cây có lẽ đã có từ ngàn xưa, và những đôi khi người may mắn có thể bắt gặp vài loài thú kỳ lạ tưởng chỉ còn trong thần thoại. Người may mắn hơn nữa thậm chí có thể được gặp những vị thần, đó có thể là những vị tiên có cánh bé nhỏ chăm sóc cây cối, muông thú, đất đai, sông ngòi. Đó có thể là những vị thần to lớn và quyền năng hơn, cải quản cả linh hồn của con người.
Những vị thần to lớn có cả nhóm thần tối và nhóm thần sáng. Nhóm thần tối là các vị thần xấu, coi việc điều khiển, thao túng, hủy diệt là niềm vui. Nhóm thần sáng là các vị thần bảo vệ, nuôi dưỡng, yêu thương. Tuy vậy, nhóm thần tối dễ cho con người những điều họ cần ngay lập tức, mà thường chả cần đổi lại gì ngoài linh hồn của chính người đó, một thứ nghe thật mơ hồ và chẳng lấy ra mà ăn được. Còn nhóm thần sáng, lại ít khi gặp được, và nếu có gặp và cầu xin, thường chỉ nhận được nụ cười hiền từ và lời nói: “Tất cả điều con muốn đều có sẵn trong con”, nghe còn mơ hồ và khó lấy để ăn hơn. Có kẻ còn đồn đại rằng khối vàng kim từ trên trời rơi xuống, chính là của nhóm thần tối. Và do đó, không hiếm kẻ bạo gan mò vào rừng, để tìm gặp cho được các vị thần tối, để xin vàng, sẵn sàng đổi lấy linh hồn của mình mà không chút đắn đo.
Một thiên thần sẽ ra đời
Mirinda rất thích vào rừng, vì cô muốn gặp được những con kỳ lân, những con chim phượng hoàng, thậm chí là những con rồng trong thần thoại mà bà cô thường kể cô nghe. Bà cô từng là bà đỡ mát tay nhất làng, người ta còn đồn rằng hầu như mọi người trong làng chỉ cần nhỏ tuổi hơn bà cô hai lần của mười năm là được bà cô đỡ đẻ hết. Không chỉ là bà đỡ, bà còn là bà lang kỳ lạ, những đứa trẻ dưới sáu tuổi, bị bệnh là người ta mang đến cho bà. Bà chỉ cần ôm đứa trẻ và hát cho nó nghe những bài hát xa xưa, là nó khỏe lại. Còn đứa trẻ nào bà ôm nó và bắt đầu nhỏ nước mắt, thì nó sẽ không qua khỏi, dù sau đó có mang đi tìm thầy lang, hay thầy pháp nào đi nữa. Cha mẹ đứa bé xấu số sẽ đi vào khu rừng của những vị thần, chặt về một loại sợi dây mây đặc biệt, đan cho nó một cái nôi ấm cúng cuối cùng, để đặt nó vào khi nó thở ra hơi thở cuối cùng, rồi mang nó vào rừng, và thả suối dòng suối sâu không biết nơi kết thúc. Bà cô sẽ đi cùng họ, và hát tiễn đưa cho nó bài hát cuối cùng. Có bài hát đó, chắc chắn đứa trẻ sẽ được về trời, rồi sau đó lại trở về dưới một hình hài khác.
Mirinda cũng được bà của cô đỡ. Ngay khi cô sinh ra, thật lạ lùng là bà cô không vỗ lưng cho cô khóc lên như những đứa trẻ khác. Khi bà cô quay cô bé mới sinh úp sấp lại, bà chợt dừng lại, nhìn chăm chăm vào hai bả vai cô. Mắt bà sáng lên nhưng miệng bà lại thở dài, bà chầm chậm quay cô lại, rồi vuốt rất mạnh vào ngực cô, ngay nơi trái tim. Vừa làm bà lại vừa hát lên một bài hát mà chưa ai nghe thấy bao giờ. Bài hát thật ngắn, nhưng vừa bi tráng vừa mạnh mẽ, khi bà vừa dứt tiếng, cô bé mới sinh bỗng hét lên một tiếng thét vút cao. Tiếng thét như xé toang không gian, bay thẳng lên bầu trời cao thẳm.
Chỉ có khác biệt nhỏ đó, rồi về sau Mirinda lớn lên như mọi đứa trẻ khác. Bà cô vẫn thường kể những câu chuyện thời xa xưa cho mọi đứa trẻ. Song Mirinda là đứa sẽ luôn chăm chú ngồi từ đầu đến cuối câu chuyện. Cô ngồi sát đến nỗi có khi ôm luôn một đầu gối của bà, mắt nhìn chăm chắm vào miệng bà, rồi lắng nghe như nuốt từng lời. Cô thuộc lòng từng câu chuyện, và cả từng bài hát mà bà cô hát. Cô cũng đi theo bà mỗi khi bà đỡ đẻ từ lúc cô chập chững biết đi. Đến mười hai tuổi, cô đã có thể đỡ đẻ được nếu bà cô cho phép. Cô yêu mọi đứa trẻ, cô yêu mọi việc để chăm sóc nó, cho dù là việc dọn những thứ chúng “đùn” ra, hay là dỗ cho chúng nín khóc, hát ru cho chúng ngủ. Những đứa trẻ cũng đặc biệt thích cô bé, đến mức nhiều khi chúng đang gào thét trong tay mẹ, mà Mirinda đưa tay ra bế, thì chúng đã im bặt và mỉm cười.
Sinh nhật mười bốn tuổi
Mirinda thường xuyên vào rừng, những ngày mà bà cô sẽ không đi đỡ đẻ, thật lạ lùng là cô như biết trước việc đó. Cô đã gặp được những vị tiên có cánh, cô thậm chí đã gặp và làm bạn với một con kỳ lân, một con chim đại bàng trắng. Song cô chưa bao giờ gặp được phượng hoàng hay gặp rồng, và cô vẫn mong mỏi được một lần gặp những vị tiên sáng. Bởi vì cô, cũng như bà cô, và một số người chăm sóc trẻ, “những kẻ khờ” ít ỏi còn sót lại, chả quan tâm đến vàng.
Ngày Mirinda tròn mười bốn tuổi, sáng hôm đó, bà cô chúc phúc cho cô bằng bài hát sinh nhật bà vẫn luôn hát suốt mười ba năm qua, và thêm không biết bao nhiêu lần cô được nghe bà hát cho những đứa trẻ khác. Song hôm đó, bà cô nhìn cô đau đáu, rồi bà đặt tay phải lên giữa ngực cô, và hát lại bài hát mà bà đã hát khi cô mới sinh ra. Lần này, dĩ nhiên cô không hét khi lời cuối cùng vừa dứt, mà nước mắt cô tuôn rơi, và cô cảm thấy tim lẫn hai bả vai mình nhói đau thật kỳ lạ. Bà gỡ sợi dây có mặt dây là biểu tượng của cái cây to nhất trong khu rừng ra khỏi cổ bà và choàng vào cổ cô. Bà nói: “Cháu gái yêu của ta, đã đến lúc, cháu sẽ gặp được số mệnh của mình. Món quà của ta là sợi dây này, nó sẽ luôn thay ta ở bên cháu. Lời ta để lại cho cháu là ‘Những kẻ khờ’ luôn được bảo vệ, vì họ xứng đáng!’”. Nói xong bà đẩy nhẹ cô đi. Song cô vẫn ôm chầm lấy bà, cảm nhận hơi ấm của bà, rồi cô mới chào bà và quay lưng bước đi. Tự nhiên, cô có dự cảm rằng, đó sẽ là lần cuối cùng cô nhìn thấy bà. Nhưng đôi chân vẫn đưa cô đi mải miết vào rừng.
Mirinda gặp vị thần sáng
Mirinda bước đi quả quyết, và cô đi thẳng đến cái cây to cao nhất khu rừng. Đến đó, cô nhìn thẳng vào cái cây và ô kìa, ở đó, có một con chim phượng hoàng trắng đang đậu trên cành cao nhất. Và trên lưng nó, có một quầng sáng lấp lánh. Mirinda nheo mắt để nhìn lại cho kỹ, và cô thấy rõ dần dần, vạt áo choàng, rồi một cây quyền trượng, rồi một thân hình, và một gương mặt nhân từ dưới chiếc mũ trùm đầu, tất cả đều màu trắng sáng chói. Cô thốt lên: “Ôi, thần sáng!” Rồi cô vội quỳ xuống, cúi thấp đầu: “Con xin chào thần!”
Mirinda cảm giác một luồng năng lượng đầy yêu thương, chở che ngay trên đầu cô. Cô ngửng lên và thấy vị thần sáng đã đứng trước mặt. Vị thần cười hiền từ, và chạm đầu quyền trượng vào biểu tượng trên sợi dây của bà mà cô đang đeo trước ngực. Biểu tượng sáng lên, và cái cây to cao nhất cũng sáng lên. Một luồng năng lượng sáng trắng từ cái cây chiếu thẳng đến biểu tượng và nó sáng trắng lên. Vị thần sáng nói thật rõ ràng: “Mirinda, từ nay con có nhận lãnh làm NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG VÀ BẢO VỆ cho trẻ em trong làng con không? Bằng tất cả tình yêu của con!”
Mirinda cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi trào ra trên mắt. Cô lại cúi xuống và run rẩy nói: “Thưa, đó là niềm vinh hạnh của con!” Cô biết, ngay lúc cô nói thế, bà cô ở trong làng đã hóa thành ánh sáng và bay lên trời. Và cô sẽ là người tiếp tục công việc của bà.
Vị thần sáng tiếp tục nói: “Mirinda, kể từ lúc này, việc con làm sẽ ngày càng trở nên khó khăn. Bóng tối sẽ ngày càng dày đặc hơn, con người sẽ ngày càng yêu quý sự giàu sang, danh vọng hơn tình yêu và sự tử tế. Những người yêu trẻ luôn được chúng ta bảo vệ, để thoát khỏi cuộc tranh giành những giá trị phù phiếm. Song, ngay khi bất kỳ người từng yêu trẻ nào, có ý nghĩa tham lam, lợi dụng trẻ để có tiền hay danh vọng, thì quyền bảo vệ đặc biệt của chúng ta sẽ ngay lập tức bị rút lại. Và kẻ đó, buồn thay, lại thường sẽ chìm đắm vào bóng tối nhanh hơn bao giờ hết! Hãy luôn nhớ, bóng tối không bao giờ chạm vào được con, nếu tâm con sáng. Nhưng chỉ cần, tâm con khởi lên chút ít tối tăm, bóng tối bên ngoài sẽ đến. Và nếu con không vững, bóng tối sẽ nuốt chửng con nhanh hơn là con kịp nhận biết!”
Mirinda lại cúi xuống thấp hơn, vì ngay lúc đó, cô lại thấy được cảnh một người bạn thân thiết của cô, vừa quay lưng đi khỏi túp lều của “những kẻ khờ”. Ngay khi bước ra, một vực thẳm xuất hiện, và những bóng đen nhô lên kéo cô bạn xuống. Cô bạn bị kéo xuống nhanh, rất rất nhanh, và xuống sâu, rất rất sâu. Mirinda vụt thốt lên: “Quay trở lại đi, bạn của tôi!” Bỗng người bạn quay lại nhìn Mirinda, đôi mắt lóe lên ánh nhìn lạnh lẽo: “Ta sẽ trả thù chúng bay, từng tên khờ một!” Mirinda đã được chứng kiến ngay điều mà vị thần sáng nói: “Khi tâm còn có chút đen, phép bảo vệ đặc biệt ngay lập tức bị rút, và con sẽ chìm sâu và nhanh hơn bất kỳ ai khác!” Một tiếng khóc khô khốc bật ra khỏi cổ họng cô, nhưng cô lập tức kìm nó lại. Cô sẽ không khóc vì kẻ không còn yêu trẻ.
Khi ta gánh lấy trọng trách thiêng liêng
Mirinda còn nhìn thấy, cả tương lai của cô, tương lai sắp đến. Cô thấy bóng tối lan ngày càng nhiều, càng nhanh khắp ngôi làng của cô, và thậm chí, nó đang lan trong khu rừng. Ánh sáng ngày càng ít ỏi, càng le lói. Và cô, giờ đây, với biểu tượng cái cây trên cổ sáng bừng, cô trở thành người giữ lửa, người dẫn đường, người bảo vệ. Cô thấy những cuộc chiến tàn khốc sẽ diễn ra, mà cô sẽ phải là người đứng đầu chiến tuyến. Cô thấy hết lần này đến lần khác, bóng tối sẽ ập đến khu lều “những kẻ khờ” của cô. Từng “kẻ khờ” luôn bị bóng tối lẩn khuất và rình rập. Bóng tối sẽ khiến họ không còn sức sống, không còn chăm chỉ và đầy nhiệt huyết. Nó sẽ làm họ xao nhãng, họ lười biếng, bỏ thời gian và năng lượng vào những việc vô bổ. Nó sẽ khiến họ bắt đầu nhìn sang vàng, sang sự giàu có, tiện nghi và danh vọng. Và ngay khi tâm họ bắt đầu u mê, vẩn dù chỉ một chút đen, bóng tối sẽ chồm lên họ và nuốt họ không thương tiếc.
Mirinda thấy mình sẽ phải ở đó, mạnh mẽ, can đảm và khéo léo, để phát sáng, để dẫn đường, để bảo vệ. Và khi cần, để chiến đấu xua tan bóng tối. Cô cũng hiểu, trọng trách này không phải chỉ có cô có thể gánh vác, không phải vì cô giỏi giang hơn người. Mà bởi vì, cô là người chịu đưa vai ra gánh vác, vì trái tim cô có nhiều tình yêu dành cho người khác. Cô thấy, đôi mắt giữa trán của cô đã sáng lên, đó là lý do vì sao cô thấy được việc ở làng, việc trong tương lai. Cô thấy đỉnh đầu cô sáng lên, để cô hiểu được bản chất sự việc, hiểu thấu sự thật đằng sau mọi lớp mây mờ. Cô thấy trái tim cô nóng hổi và phát sáng ra tận bên ngoài, bởi tình yêu cô vốn có nay lại nhân gấp thêm nhiều lần, đến mức cô thấy mình dường như không còn ôm nổi tình yêu đó. Đi kèm với quyền năng, là trọng trách, quyền năng càng lớn, trọng trách càng nhiều, và tình yêu lại càng phải tỏa sáng.
Mirinda gục hẳn đầu xuống, và cô bắt đầu khóc thổn thức. Trong lúc đó, từ hai bả vai sau lưng cô, xương dài ra, và càng lúc càng nhô cao. Cô khóc, không phải vì cơn đau thể xác, mà vì cô biết trọng trách lớn lao mình sẽ phải gánh vác. Và một lần nữa, cô liên tục thì thầm: “Con xin nhận lãnh!”, cho đến khi trên lưng cô, đã mọc lên đôi cánh trắng to.
Vị thần sáng hô to: “Mirinda, người hướng dẫn và bảo vệ cho trẻ em! Con được bảo vệ và chúc phúc! Hãy nhớ, vì con xứng đáng, bằng tình yêu của mình!”
Đôi cánh bắt đầu vỗ, càng lúc càng mạnh hơn, và Mirinda thấy mình đã bay lên, vượt qua những cành cây, vượt qua cả những ngọn cây cao nhất, và cô bay lên đến những tầng mây. Tim cô biết rằng, một trận chiến khốc liệt sẽ diễn ra, và cô đã sẵn sàng cho nó…