Steiner – V/v quá nhanh, quá nguy hiểm

Chỉ một buổi học, một phần bài giảng của các sư phụ Steiner, có thể viết ra vài cái notes. Đau lòng là không có thời gian, mà không viết thì sợ quên đi mất. Mấy tối nay, tối nào cũng thức khuya, đổ bệnh mà vẫn ham. Thôi đành 🙂
Nói về chuyện cổ tích, vì sao nó có ý nghĩa lớn lao như vậy? Vì nó mang ý nghĩa linh thiêng (mắt thường cũng thấy, bao nhiêu là Bụt, là tiên, là thần, và phép màu nhiệm), nó phản ánh chính hành trình của loài người, của con người, của mỗi cá nhân (khác nhau nha, ngẫm kỹ sẽ thấy).
Kể chuyện, tự nó đã là một liệu pháp chữa lành, tiểu sử của mỗi người đã là cả một câu chuyện cổ tích lâm li bi đát hấp dẫn li kỳ vui tươi hài hước (ờ, dĩ nhiên là tuỳ của đứa nào nữa!). Không phải tự dưng mà mấy chuyên gia tâm lý lấy được tiền người ta, nhiều nữa đằng khác, chỉ cho cái chuyện người ta đến văn phòng của ổng bả, nằm trên một cái ghế, rồi kể chuyện đời mình cho ổng bả nghe. Hiện giờ đã có liệu pháp tâm lý hiện đại bậc nhất là những người khủng hoảng có thể chọn câu chuyện cổ tích mà mình thích để đến bàn luận với chuyên gia tâm lý chuyện về liệu pháp này đó nha!
Nghĩ thử mà xem, đời bạn có phải là câu chuyện cổ tích không kia chứ? Có người sinh ra đã gặp khó khăn thách thức, nguy hiểm đến cả tính mạng, chẳng hạn như rớt tim thai, nhau thai quấn cổ mấy vòng, sinh ngược ra có một chân vài tiếng đồng hồ, lấy ra tái như quả cà tím. Thời hiện đại thì con người càng bị khổ sở hơn, nào là sinh ra là mẹ bị mổ, bị cắt, con thì bị tách ra khỏi mẹ, bị tiêm thuốc (cả mẹ lẫn con, tuỳ loại). Rồi bé tí đã phải xa mẹ cả ngày, đi học có khi không được cô yêu thương. Mới 3 tuổi đã phải ngồi im trên ghế học hành, cục cựa có khi bị cô ném phấn, khẽ tay (ôi chao là khổ sở!), không được chơi đùa, không được chạy nhảy, la hét, tưởng tượng, nghịch bẩn, khám phá, hay bất kỳ một trò điên rồ rất tự nhiên nào khác (đoạn này ngẫm kỹ nha: ví dụ tại sao con nít mà không được ngọ nguậy, chơi đùa thoả chí, có phải là phản tự nhiên không?).
Rồi ngay cả những đứa được cha mẹ thương, cô thương, nó cũng khủng hoảng như thường. Mà nào có ít, khủng hoảng bé, khủng hoảng lớn, khủng hoảng của riêng nó, khủng hoảng rủ nhau làm chung cho vui như khủng hoảng tuổi lên 3, lên 6, lên 9, lên 12… Lại là hoàn toàn bình thường, tự nhiên tiếp. Ví dụ, lên 3 là khi cái thể I (hay là thể ego) nó bắt đầu xuống và tồn tại trong trẻ. Trước 3 tuổi, nó đâu có biết nó là ai, nó có thể là anh nó, là con chó, con mèo luôn cơ mà, nó đã biết xưng con, xưng tôi, xưng tên nó đâu! Đến 3 tuổi, nó bắt đầu biết mình là ai nên nó cứ “Không!” Cái gì cũng nói “Không!” với người lớn, là nó khẳng định cái tôi của nó đó. Cộng thêm với việc con thế này, con thế kia, bắt đầu xưng tên mình tía lia tía lịa.
Khoảng lên 9 – 9.5 tuổi, trẻ lại có đợt nhận thức rõ rệt hơn Tôi là ai với thế giới này? Tôi không còn là một thể chung với thế giới nữa. Tôi tách biệt ra, nên tôi bắt đầu thấy cô đơn. Có đứa trẻ 9 tuổi bắt đầu hỏi “Khi nào thì con chết?” hoặc giả chúng nó dễ dàng đòi bỏ nhà ra đi lắm (đọc truyện về mấy đứa ngỗ nghịch thấy cái này rõ lắm, như chuyện Tom Sawyer của Mark Twain ấy).
Giáo dục Steiner hiểu rõ giai đoạn phát triển nên mỗi hoạt động trong lớp đều phải phù hợp với điều này, chẳng hạn khi trẻ dưới 6 tuổi, thường thì trẻ sẽ được chơi các trò chơi, hoạt động buổi sáng trong cùng một vòng tròn, vì chúng vẫn trong trạng thái “we are one” (chúng ta là một).
Còn ở tuổi 9 – 9.5 tuổi (bắt đầu lên lớp 4), trẻ phải đối mặt với những cảm gíac cô đơn khi bản thể của trẻ định hình rõ, trẻ biết mình là cá thể duy nhất trên đời này, tách biệt với thế giới. Khi đó, các hoạt động trong Eurythmy chẳng hạn, sẽ cho cả lớp làm thành vòng tròn, rồi đi thành hình số 8 (hình threshold), rồi số 8 đó tách ra thành 2 vòng tròn riêng biệt (như tôi là 1 và thế giới là 1). Và từ đây, trẻ mới cùng nhau nhìn về một hướng (như nhìn lên cô giáo) trong giờ sinh hoạt chung.
Cuộc đời mỗi người là cả chuyến phiêu lưu đầy thăng trầm. Nếu được nghe kể chuyện từ nhỏ, nếu được cha mẹ và thầy cô yêu thương, thấu hiểu, rằng các khủng hoảng đó là tự nhiên, bình thường như hơi thở, trẻ sẽ được hỗ trợ để vững vàng vượt qua. Sóng lớn thì thuyền to, có mất việc thì mới có cơ hội mà đổi đời chẳng hạn. Khủng hoảng là thời gian để chiêm nghiệm bản thân, để hoặc là vượt lên tầm mới hay là tụt xuống tầm mới là tuỳ. Những đứa trẻ Steiner được thấu hiểu, được làm đúng việc vào đúng lúc, được cư xử phù hợp với lứa tuổi, sẽ biết mình là ai, mình cần gì, sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề chứ không ngồi đó thân thân trách phận, làm anh hùng bàn phím (chắc luôn).
Còn thì, kệ đi, cứ “nhanh hơn, sớm hơn, nhiều hơn, bự hơn”, kết quả ra sao nhỉ? Tưởng tượng một đứa trẻ chưa bao giờ được thoả sức chạy chơi, la hét, vận động, khám phá, thì sẽ ra sao? Những giác quan của nó sẽ bị phát triển dưới tầm, và chắc chắn đến một lúc nào đó, những năng lượng dồn nén phải bùng nổ. Dân gian ta nói: “trẻ không chơi, già sinh tật” là vậy. Những người thích cảm giác mạnh, thích quá nhanh quá nguy hiểm để cảm thấy được là mình, là một thể hiện của việc này. Bởi vì cái giác quan touch (sờ chạm) của người ấy bị under develop (phát triển dưới tầm) hoặc over develop (phát triển quá mức) không cân bằng ở giai đoạn cuộc đời trước đó.
Một đứa trẻ nó cũng cần được phát triển như người ta xây nhà thôi. Đầu tiên là xây dựng nền móng như một cơ thể vật lý mang ý chí được phát triển mạnh mẽ đúng cách. Rồi sau đó mới xây nên rường cột, tường nhà, là thể tình cảm, là tâm hồn. Có nhiêu đó rồi mới tới lúc tạo nên mái nhà, đổ vào đó những suy nghĩ trừu tượng, óc phán đoán của phần tinh thần (spirit) cũng chính là phần linh hồn của con người đó.
Còn mà chưa chi cái bắt nó học đọc học viết, làm toán làm văn, trời ơi, đặt ịch cái mái nhà lên sàn đất hả. Thích thì cứ làm, nhà có vững không thì ai xây người đó chịu. Khổ cái cả xã hội cùng chịu chung nó mệt cho nhau thôi heng.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *