Steiner – Rèn luyện ý chí

Mình đã ngó qua bìa một cuốn sách của Steiner có tựa là “Training the will” với hình bìa là một người đang làm một tác phẩm điêu khắc. Chưa có đọc, không dám đọc, vì chưa có thời gian.

Song mình đã lờ mờ nhận thấy, phần will (ý chí) trong giáo dục Steiner, là phần doing (làm), phần của chân tay (limbs). Ý chí này chủ yếu phát triển ở giai đoạn 0 – 7 tuổi (và tương đương tiếp tục lập lại sau 14 năm, tức là 21 đến 28 tuổi…). Gọi là chủ yếu, vì nó sẽ là phần được dồn sức phát triển nhất, nhưng vẫn phát triển song song cùng các phần heart (tim) – tình cảm và head (đầu) – lý trí.

Chắc mọi người đều đã nghe qua những lời ca thán chê lũ trẻ ngày nay lười quá, dễ nản quá, thiếu kiên trì, thiếu ý chí, chả làm được cái gì đến đầu đến đũa, nói chi đến làm chuyện gì lớn lao, sâu sắc, lâu dài, tạo nên sự nghiệp, thậm chí là công trình để đời… Nói chi xa, bản thân chúng ta đây, chúng ta có thể theo đuổi một cái gì đó cho nó ngọn ngành hay không? Hay là, trong xã hội bộn bề quá nhiều thứ, ta cứ “chấm mút” mỗi thứ một tí, cứ thích chút rồi chán, bắt đầu cái gì đó rồi để nó phủ bụi để đó.

Vì sao vậy? Bởi ta có quá nhiều thứ phải làm, quá nhiều thú vui lôi cuốn, đơn giản nhất là có quá nhiều status facebook để đọc và quá nhiều thứ để post status rồi ngồi chờ xem lượt like?

Mình sẽ bắt đầu với 2 mẩu chuyện nhỏ vừa có với con:

Nhím:
– Mẹ à, dạo này Nhím khỏe lên nhiều rồi!
– Vậy hả?
– Dạ, Nhím đi bộ từ Lăng Cha Cả đến ngã tư Bảy Hiền không thấy mệt gì hết. Hôm bữa Nhím đi là mồ hôi tuôn ra như tắm.
– Giỏi ghê!
– Mà sao chân Nhím cứ nhỏ lại. Bạn lớp Nhím chọc Nhím thon quá, như người mẫu!
– Ừ, mẹ đang mong được như con đây. Con ăn thức ăn sạch, không ăn vặt, đi bộ và đá banh thường. Thử ăn uống linh tinh một tuần coi heng!
(Nhím cười. Nhím, bụng 6 múi, vì tối nào hình như ảnh cũng hít đất, còn nâng số lần hít lên nữa. Ảnh chậm mà cực chắc, cứ làm đều đều trong thinh lặng vậy).

Táo, tối hôm ảnh ngồi miệt mài nhặt mớ rau mồng tơi. Rau non, cọng nhỏ lắm, lặt cũng lâu lắm. Vậy mà ảnh cứ ngồi lặt rồi cũng xong. Rồi gọt, xắt mướp, cắt nhỏ trái bí đỏ. Cũng như hôm trước ảnh ngồi xắt 6 trái cà chua ra miếng nhỏ nhỏ cho mẹ làm sốt cà chua. Làm xong rồi ăn cứ tấm tắc: “Món Táo làm ngon quá!”. Ừ, biết là nhiêu đó nhằm nhò gì! Nhưng mà ngày xưa, khi mM bắt đầu kêu Nhím làm bếp, đã giải thích là nhặt rau, vo gạo cũng khiến tay nó khéo, rèn kiên nhẫn. Từ việc nhỏ mới sang việc lớn. Học trò Steiner sẽ làm những bài thủ công, đan những miếng len thật lớn thật dài, làm vỏ gối với những đường thêu tỉ mẩn, rồi đến ngồi khắc những miếng gỗ, thêu tranh … Điều quan trọng là từ việc nhỏ đến việc lớn, không bỏ cuộc, không làm cho xong. Không có chuyện: “Con làm cái này xong, mẹ/cô sẽ cho con coi phim, hay tặng thưởng cái này/cái kia”. Hạnh phúc nằm ở mỗi bước đi, không phải ở đích đến của hành trình. Niềm vui là ở trong từng việc đang làm.

Có những lần mM ngạc nhiên như thế này: Táo lần đầu tiên thử viết, ngồi kỳ cạch viết bài Bà Còng đi chợ trời mưa. Vừa hát vừa luận ra để viết. Viết cho kỳ hết bài thì thôi. Táo lần đầu tiên thử tự đọc, ổng ngồi đánh vần cho hết 1 cuốn truyện Xì trum (mM là đang cấm không cho đọc tác phẩm vẽ sẵn này đâu mà ổng cứ thích á chứ), ổng đánh vần từng chữ từng chữ từ lúc trời còn sáng đến trời chạng vạng. mM vừa nấu cơm vừa nghe ổng đánh vần mà phục ổng sát đất, sao mà kiên trì thế! Rồi lần đầu tiên ổng ngồi đan và làm con sóc (mẹ ổng có mấy con thỏ còn chưa làm xong), ổng hỏi vài bước rồi kỳ cục ngồi làm, đến cái tai cũng hý hoáy tự nghĩ để làm, mẹ về sau 1 ngày thấy con sóc nằm trên mặt đất mà hết hồn!

À, đương nhiên là chưa phải hoàn hảo. Ông Nhím, vẫn còn nhiều chuyện ổng làm chưa xong để đó. Ông Táo, ổng còn có tâm lý làm cho xong, rất lười chăm chút làm cho thiệt đẹp, thiệt hoàn hảo. Và mẹ đừng có mà “cố” nha! Tối hôm qua ông Táo nhặt rau xong, mẹ bảo đi tắm đi, tiện thể chà luôn đôi dép vì mới học làm vườn. Ổng nhất quyết không chịu, cuối cùng là nói trong nước mắt: “Táo giờ phải đi tắm mà. Rồi còn ăn cơm, đi ngủ sớm, mai đi học sớm mà! Táo mệt lắm, mỏi tay lắm rồi mà!”

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *