Steiner Waldorf – Môn Toán

14.10.2016
Bữa giờ nói nhiều về Ngôn ngữ quá rồi, giờ nói qua về môn Toán hỉ?

Có bao nhiêu đứa học trò sợ môn Văn, chắc cũng có bấy nhiêu chán môn Toán? Lý do: không hiểu, học không được, không thấy có liên quan.

Trong một môi trường không la mắng, không ép buộc, không cả thưởng/phạt và chấm điểm, làm thế nào để trẻ tự giác và hứng khởi học tập? Người giáo viên! Học sinh chán học là vì giáo viên dạy dở.

Có nhiều bạn có nói rằng vì sao phải dịch nhiều thế, vì sao phải tự làm khổ mình, vì sao làm quá!

Vâng, khi nào bạn đứng trước một lớp và phải làm sao cho học sinh tự nguyện học tập với niềm hăng say thật sự? Bạn hiểu là bạn phải biết và hiểu sâu rộng về môn học đó, với kiến thức bao trùm và cách giới thiệu tinh tế, phù hợp với nhóm học sinh của mình và chính bản thân cô giáo. Chẳng khác nào bạn cóp nhặt rất nhiều thứ, để rồi trao cho học sinh của mình phần tinh tuý nhất của nó, theo cách giản dị và đơn sơ nhất.

Hiện tại, chúng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu tìm được nguồn tài liệu có sẵn, tiếng Việt, và thế là chỉ việc nghiên cứu rồi đem đến cho các em. Tiếc thay, bắt đầu đi khi chưa có gì, nguồn tiếng Việt không sẵn (lại tiếc thay). Chẳng hạn thơ văn Việt Nam mà tả về hạt lúa, toàn nói về mồ hôi, câu duy nhất mà tôi còn nhớ vì nó vui hơn tí là “thân em như lúa trổ đòng đòng, phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.” Thật không có những bài thơ tả vẻ đẹp thật sự của lúa, cùng niềm vui dâng tràn trong trái tim người nông dân.
Triết lý Việt thì các bạn cũng biết rồi đó, nhiều như chưa mang tính thống kê cao. Trẻ cần học ngay. Chưa có nguồn ăn sẵn, chưa tập hợp kịp, thậm chí chưa thể viết lại, nói chi sáng tác, theo đúng tinh thần “Chân – Thiện – Mỹ” thì đành phải dịch thôi. Ai mà chẳng thích sướng! Rồi cũng mong có người làm trước cho mình chỉ xin rồi xài, song chưa ai làm, thì chúng tôi phải làm thôi.

Giờ đến môn Toán, làm sao để giới thiệu một con số, vì sao nó là một, vì sao nó là hai. Các con sẽ tự phát hiện, một là chính con đây, hay là mẹ “chỉ có một trên đời”, hai là phải – trái, đúng – sai. Rồi giới thiệu bảng cửu chương bằng một vương quốc có 12 cánh cổng. Vị vua ngày đầu tiên đi thăm từng cổng thành (bảng cửu chương 1), ngày thứ hai ông chỉ đi thăm 1 cánh cổng, bỏ 1 cánh cổng (bảng cửu chương 2) …Rồi tiếp đến về số chẵn, số lẻ, về số hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm … là câu chuyện về vị vua tính toán hay ông thần lùn giữ kho báu phải làm sao để đếm và quản lý được số tài sản “nhiều không đếm xuể” của mình. Chúng tôi vẫn phải chạy đua theo thời gian, nên đành dịch trước đã, rồi sẽ có một ngày, sẽ có những câu chuyện về Thổ Địa, về thần lúa nước Việt chẳng hạn.
Xin chia sẻ một tí xíu câu chuyện dài 9 của Peter và Lucy cùng 2 bạn sóc Nhanh nhảu và Tía lia, và đây là một phần nhỏ xíu của ngày thứ nhất (bạn Nguyễn Đỗ Quyên dịch, PLM hiệu đính).
“Peter mở cánh cửa đầu tiên mà cậu tìm thấy, và nhìn quanh để tìm chỗ trốn. Đó là một căn phòng rất đẹp, cậu đoán là phòng của thuyền trưởng. Cậu thấy một cái rương bằng gỗ ở trên sàn, và không cần một giây để suy nghĩ, cậu mở nó ra, cùng Nhanh nhảu trèo vào trong, và đóng nắp lại. Khi ngồi đó trong bóng tối, cậu thầm nghĩ đây có phải là một ý hay không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thuyền trưởng khoá cái rương lại? Và cái gì ở trong rương thế ? Cậu sờ xung quanh và thấy thứ gì đó bằng kim loại. Chúng lạnh và tròn. Cậu lấy một cái bỏ vào trong túi và rồi cậu nghe tiếng bước chân đi xuống cầu thang. Tiếng bước chân này có một âm thanh buồn cười lắm, giống như tiếng gỗ gõ trên gỗ vậy. Tiếng bước chân – tiếng gõ “cộc”. Tiếng bước chân – tiếng gõ “cộc”. Và rồi tiếng bước chân ngừng lại và chúng nghe tiếng thuyền trưởng nói chuyện. Peter thầm nghĩ, đây chắc chắn là tên Cướp biển Perry một chân. Cái chân gỗ của hắn gõ “cộc” vào mỗi bước thứ hai. Hãy xem … Peter nhận ra có hai tiếng “cộc” từ cái chân gỗ và biết rằng tên thuyền trưởng đã đi được __4__ bước. (Ghi chú: bạn nên có một cái “chân gỗ” để tạo nên âm thanh cho trẻ.)
Rồi cậu nghe tiếp, tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc”. Cậu dừng lại, “Để xem,” cậu nghĩ. Vậy là thêm __4__ bước nữa. Hắn đã đi 4 cộng 4 là __8__ bước tổng cộng.
Với tổng cộng 12 bậc thang, nghĩa là còn bao nhiêu bậc thang cộng với 8 sẽ bằng 12? Hắn còn __4__ bước nữa.
Kế đó Peter nghe cái gì đó khác lạ. Đó là tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc” nhưng lần này là đi ngược lên cầu thang. Cướp biển Perry đã đi đến bậc thứ 8 và lại đi ngược lên 6 bước. Để xem, 8 trừ đi 6 bằng __2__. Hắn đang ở bậc thứ __2__.
Rồi hắn lại đi xuống lần nữa, tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc”, tiếng bước chân – “cộc và rồi Cướp biển Perry dừng lại. Hắn đang ở đâu? Peter nghe 5 tiếng “cộc” của cái chân gỗ. Hắn đã đi thêm __10__ bước, vậy là 2 cộng với 10 bằng __12__ tổng cộng.
Peter biết rằng tên Cướp biển Perry đang đứng ở chân cầu thang. Rồi với ba tiếng “cộc” nữa, Peter biết rằng hắn đã đi thêm __6__ bước xuống phía lối đi và đang đứng ngay trước cửa phòng”.
Mong một ngày các bạn giỏi Toán sẽ giúp chúng tớ tìm những cách học toán hay và vui và hiệu quả cho những kiến thức phức tạp và cấp cao hơn.
Ngo Thai Son chú giúp nhé! Chẳng hạn như những hình vuông kỳ diệu ấy!

(Hình minh hoạ chưa chính xác lắm ạ!)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *