Mỗi dân tộc đều có một câu chuyện kể về “chuyện cổ tích từ đâu đến đây”. Dân tộc Việt có không nhỉ, mình tạm thời chưa nhớ ra. Cô giáo có kể câu chuyện của người châu Phi, trời ơi là nó hào sảng và hay. Cuối khoá có thời gian, mình sẽ cố nhớ và viết lại cho các bạn kể cho con nhé!
Hôm nay mới được hiểu chuyện cổ tích thật sự là gì? Mình cứ hay dịch đại ví dụ chuyện cổ Andersen, là sai rồi. Chuyện cổ tích không do con người sáng tác, mà do trí tuệ vũ trụ ngàn xưa đưa xuống (bạn tin hay không là tuỳ nha, không tin thì bạn giải thích cho tui vì sao chuyện cổ tích Vân Kiều mà có chuyện y xì chuyện Hai anh em của truyện cổ Grimm?, và còn nhiều ví dụ rõ rành khác).
Vì thế, chuyện cổ tích phải được kể chính xác nhất với phiên bản gốc, như ngày xưa anh em nhà Grimm đã đi khắp châu Âu để chép lại những câu chuyện cổ tích dần bị mai một, từ những người trưởng lão, những người bà. Họ cố gắng chép lại trung thực, chính xác nhất, từ ngữ, giai điệu, nội dung. Và họ xin những người kể chuyện cổ tích hãy kể lại cũng đúng như thế, đừng sửa bất kỳ cái gì, để cho vui, để cho hay. Nếu cảm thấy có chi tiết không phù hợp với mình, thì tốt nhất bỏ qua chuyện đó, đừng kể, đến khi mình hiểu biết hơn, mình chấp nhận được chuyện, hãy kể cho con cháu nghe. Điều này bản thân mình đã trải nghiệm qua vài năm, một ngày, bạn sẽ dần cảm nhận vẻ đẹp, và may mắn, thì bạn sẽ hiểu được trí tuệ siêu nhiên của truyện cổ tích nha. Còn con bạn, nhất là 4 – 8 tuổi, các con sẽ hiểu (nếu các con chưa bị TV, vi tính vật chất hoá tâm trí mơ quý giá của lứa tuổi).
Lại vì vấn đề thời gian, notes này sẽ viết lại thí dụ cho thấy chuyện cổ tích có thể “hiện đại” như thế nào qua câu chuyện Snow White (Bạch Tuyết). Đây là ý nghĩa của các archetypes (tạm dịch nguyên mẫu) của truyện cổ tích.
Bà hoàng hậu đáng yêu, người mẹ đẻ, đã nhận đứa trẻ và chúc phúc cho con với một cái tên khi con đến với thế giới này “là trắng như tuyết”. Nhưng một bà mẹ kế đã đến để lấy chỗ của mẹ đẻ.
Người mẹ kế đại diện cho các nguồn lực vật chất mà đứa trẻ cần đối đầu, với chiếc gương của bà mẹ kế đại diện cho bộ não trí tuệ. Chiếc gương chỉ phản ánh những gì chúng ta nghĩ.
Chúng ta khi xuống trái đất này, đều phải thả lỏng sự kết nối của chúng ta với các thế giới tâm linh, và đắm mình hoàn toàn vào sự tồn tại về vật chất. Câu chuyện Bạch Tuyết là một bức tranh của các nguồn lực vật chất cố gắng để áp đặt quyền của chúng lên ta. Người mẹ kế, hình ảnh của các nguồn lực vật chất, đầu tiên là cố gắng để áp đặt lên hệ thống nhịp điệu (thở) bằng cách cột một dây lưng quanh eo của Bạch Tuyết. Ngày nay trẻ em chúng ta không được thở và đã mất cả khả năng thở. Các chú lùn là các tinh linh (thực thể nguyên tố đất, nước, khí, lửa), những thực thể luôn muốn giúp con người, đã cứu sống Bạch Tuyết.
Khi đó, hoàng hậu là bà mẹ kế lại cố đầu độc suy nghĩ của Bạch Tuyết bằng chiếc lược, ngày nay suy nghĩ của chúng ta bị đầu độc với các suy nghĩ quá về trí óc. Một lần nữa các chú lùn lại cứu sống nàng.
Cuối cùng hoàng hậu cố đầu độc hệ thống chuyển hóa của Bạch Tuyết với quả táo, ngày nay hệ thống chuyển hóa của chúng ta bị đầu độc bởi thực phẩm mà chúng ta ăn. Toàn bộ hệ thống 3 yếu tố của con người đang bị vật chất hóa. Lần này những chú lùn không thể cứu sống Bạch Tuyết. Nàng phải hồi sinh bằng chính bản ngã của mình, với biểu tượng là chàng hoàng tử, và nhờ đó tìm lại được con đường về tinh thần thật sự. Bằng cách này Bạch Tuyết là một câu chuyện rất hiện đại về điều đang xảy ra ngày hôm nay và trẻ em hiểu những hình ảnh này.
Song nhiệm vụ của người kể chuyện là hiểu nhưng tuyệt đối không giải thích. Chúng ta cần hiểu được những câu chuyện, nhưng không bị mắc kẹt trong các giải nghĩa và sống trong vẻ đẹp của từ ngữ. Tốt nhất là quên đi và hãy chỉ thả mình vào hình ảnh và nhịp điệu của câu chuyện: “Ngày xửa ngày xưa giữa mùa đông khi tuyết đang rơi lả tả như lông chim ngoài trời, Hoàng hậu ngồi bên cửa sổ may vá và khi đang may bà lỡ đâm kim vào ngón tay. Ba giọt máu đỏ rơi xuống tuyết và màu máu đỏ trông quá đẹp trên nền tuyết trắng phau.”
Tất cả những câu chuyện cổ tích đều có những sự thật sâu sắc ẩn trong chúng, giúp cho con trẻ của chúng ta trong việc thấu hiểu cuộc đời. Chuyện cổ tích mang những hình ảnh của các thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc đời và chúng ta phải có sự kiên trì đến mức độ nào để có thể vượt qua các thách thức. Các truyện cổ tích chính là những bức tranh của sự thay đổi và phát triển con người.
Einstein nói rằng nếu chúng ta muốn con cái thông minh, hãy chuyện cổ tích cho trẻ nghe. Nếu chúng ta muốn con cái thông minh hơn nữa hãy kể cho trẻ nghe nhiều chuyện cổ tích hơn nữa.
Trẻ em mở rộng hơn với các trải nghiệm bên trong trong các câu chuyện cổ tích và trẻ em cuốn hút vào tất cả các câu chuyện. Những câu chuyện và hình ảnh xuất hiện lại trong trò chơi của trẻ em. Trong nội tâm của trẻ, các câu chuyện được cảm nhận và chuyển hóa bởi cá tính của từng trẻ vì thế những câu chuyện không bao giờ giống như nhau ở mỗi đứa trẻ khác nhau.
Quá trình như chơi đùa này phát triển ngôn ngữ và trẻ sử dụng lời nói một cách sáng tạo và trẻ em có khả năng diễn đạt trí tưởng tượng của mình vượt qua các trải nghiệm hàng ngày của trẻ. Điều quan trọng là khả năng để chuyển vào các cõi câu chuyện mà trẻ chưa trải nghiệm một cách vật chất. Để có điều này, cần kể chuyện thường xuyên với các câu chuyện và các con rối giúp cho tâm thức mơ mộng của trẻ.