Ngày 02.05.2016
Nhím bị bỏng ở bàn ăn khi múc canh rong biển từ nồi lẩu. Khi đó mẹ đang lo cho em ăn nên không thấy. Khi nghe mọi người trong bàn ăn hét lên thì mẹ mới nhìn qua, thấy Nhím đang ráng ôm chặt chén, và dĩ nhiên là cả mớ nước canh rơi trong lòng bàn tay. Mẹ đứng bật dậy và quýnh quáng nên chỉ nghĩ ra việc ôm tay con, rồi kêu con chạy vào nhà vệ sinh (cách khá xa bàn ăn) để rửa tay. May là các cô chú ngồi chung bàn nói: “nhúng tay vào ly trà đá”. Thế là mẹ cho Nhím nhúng tay vào. Bàn tay con đỏ lên, mẹ nhìn mà xót xa quá! (Ly trà đá đã tan gần hết đá, nên chỉ mát, không lạnh ạ).
Rồi tí xíu là con lại rút tay ra. Điều mẹ xót xa nhất là việc, con bị bỏng mà ráng giữ chén, ráng nắm mớ rau canh trong lòng bàn tay, không dám buông hay hất ra, vì “mọi người đang ăn”. Lúc nhúng tay vào ly trà đá trên bàn, con cũng ngại ngần làm phiền mọi người nên chỉ để một chút lại rút tay ra. Mẹ phải bảo “không sao, không sao!” và nắm tay con nhét vào ly nước lại con mới chịu để. Con cũng ngồi xuống, ráng ăn cho xong chén, rồi lấy trái cây ăn. Chỉ khi mọi người đã đi ra xe hết, còn lại mẹ và con, thì con bắt đầu chảy nước mắt, rồi sau đó là khóc rức lên, vì quá đau. Khi này mẹ hiểu việc con ăn đến mấy miếng trái cây là để dịu lòng, để không bật khóc. Mẹ lại tự trách bản thân liệu lâu nay có mãi dạy con về việc phải để ý tứ, đừng làm phiền mọi người, đến mức có lúc nó ảnh hưởng đến sự sinh tồn của bản thân hay không?
Trong lúc đó, dĩ nhiên là anh Táo ngồi cạnh vẫn tiếp tục quay qua hỏi tới hỏi lui xem chuyện gì xảy ra. mM phải ráng tập trung, xong rồi mới có thể quay qua nói: “Con đừng quá hiếu kỳ được không? Chuyện con hỏi hiện tại có quan trọng không?”. Ngay cả khi lên xe, mẹ nói Táo đổi chỗ cho anh Nhím, để mẹ ngồi chăm lo cho anh chút.
Mẹ đặt tay cho Nhím được đâu đó hơn 1 giờ. Táo ngồi bên kia buồn ngủ gật gù, ngủ gật đầu nghẹo ra ghế. Rồi Táo bắt đầu khóc nức nở lên, đòi sang ngồi cùng mẹ để ngủ. Nói thế nào cũng không chịu. Mẹ đành nói Nhím nhường chỗ cho em. Lúc đó vừa giận Táo, vừa xót Nhím, vừa lần đầu tiên cảm thấy mẹ có phần kém năng lực quá! Vì thế, khi Nhím lo lắng hỏi là liệu tay có hết không? Mấy ngày sẽ khỏi? Ngày mai liệu tay hết đau chưa? Có lúc mẹ sốt ruột cho con quá, phải bảo “Mẹ không biết khi nào sẽ hết! Chỉ chắc là mẹ đặt tay, con sẽ mau hết!”
Chiều tối đó, tay Nhím đã bắt đầu đỡ đỏ, chỉ còn vài vết hồng nhỏ. Tối về, tay bắt đầu hơi phồng. Sáng nay, tay có nhiều chỗ phồng to. Nhưng mẹ tin Nhím sẽ mau đỡ. Mẹ tiếp tục đặt tay cho Nhím. Rồi con sẽ mau khỏi!
Thương cậu con chịu thương chịu khó của mẹ quá!
🙂 Cảm ơn mọi người thật nhiều! mM viết lại để nhắc mình về việc phải dạy con biết yêu thương và bảo vệ cho bản thân nhiều hơn (dĩ nhiên là ở mức không làm phiền người khác). Nhà đã có thuốc bỏng Burnol của Ấn, dùng rất tốt ạ. mM cũng biết cách healing cho Nhím nên chỉ bị bỏng độ 1 và 2 (đôi chỗ) thôi ạ. Bây giờ có vài chỗ phồng nước, đang tích cực bôi thuốc phỏng và mẹ cũng healing tiếp. Khi nào các vết phồng tự vỡ, sẽ tiếp tục bôi thuốc để vết thương mau liền da. Chắc đến cuối tuần này sẽ lành hết thôi ạ.
Chia sẻ cách XỬ LÝ BỎNG CỦA ANH TÀI ĐẶNG:
Chia sẻ của anh Tai Dang về sơ cứu và xử lý khi bị bỏng. Ba anh là lương y, đã dạy cho anh từ bé, và anh đã áp dụng từ khi lớn lên đến giờ. Cách thông thường khi sơ cứu bỏng mà hầu hết mọi người áp dụng là dùng thứ gì đó mát (nước lạnh, đá lạnh, kem đánh răng,….), cách đó chỉ giúp giảm đau ở thời điểm đó, nhưng sẽ làm cho quá trình phục hồi lâu, và vết bỏng phồng to, dễ vỡ sau này.
Bản chất da có rất nhiều lớp, khi bị bỏng tuy trường hợp ít khi chết tất cả các lớp da, khi vết bỏng gặp lạnh, thì sẽ bị tụ huyết thanh, đó là lý do vết bỏng bị phồng nước. Do đó thay vì làm mát, thì hãy dùng dầu nóng, để cho lớp da không bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, và tăng được cơ hội cứu lớp da ở dưới. Bỏng nhẹ có thể dùng dầu cao bôi lên bằng tay, bỏng nặng thì dùng dầu nước (dầu chàm, dầu gió) đổ thẳng lên vết bỏng. Dầu nóng sẽ làm cho vết bỏng nguội dần, và bảo vệ vết bỏng khỏi nhiễm khuẩn, và đặc biệt là không có hiện tượng tụ huyết thanh. Vết bỏng rất ít khi rộp lên nếu được xử lý ngay. và nếu nặng quá, thì lớp da chết cũng sẽ khô và nằm sát luôn, bảo vệ lớp da non sau này. Nhà anh để dầu ở khắp nơi, để có thể bất kỳ lúc nào xử lý cho bọn trẻ con. Bỏng bàn là, mỡ nóng, ống bô xe máy…. đều xử lý rất đơn giản.
Năm ngoái công ty anh đi chơi, lúc dùng bữa trưa phục vụ làm đổ nguyên tô canh lên vai 1 bé trong đoàn. Mọi người xúm lại, mang nước lạnh ra, anh phải vội vang ngăn lại, và quát lên mọi người mới thôi, và xin 1 lọ dầu khuynh diệp bôi cho bé. 2 tiếng sau vết đỏ hoàn toàn mất và không để lại dấu vết nào. Vô cùng hiệu quả, và đơn giản và thực chất là rất khoa học.
Đi ngoài đường mà bị bỏng ống bô xe máy, chỉ cần rẽ vào hiệu thuốc mua mua lọ dầu bôi ngay là ok, còn bằng cách khác thì lâu khỏi và để lại sẹo thâm. Xử lý kiểu này có thể không làm hết đau ngay, nhưng lại khỏi nhanh, và không để lại hậu quả.
Túm lại là mình có thể dùng các loại dầu (từ dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm). Em bé sơ sinh chỉ dùng dầu tràm thôi. Bỏng nặng cần kết hợp với Đặt tay để xứ lý hỏa khí đi vào cơ thể, hoặc bốc thuốc Bắc.