16.09.2017
Một bài thật khó nói cho hết những gì mình ấp ủ và trăn trở, mà viết dài quá thì ai nhìn cũng ngán, nên mình sẽ viết từ từ, viết ít một nhé! Cũng nói thêm luôn là nếu mình nói ra có cái gọi là chưa tốt chưa hay, thì là bởi chúng có đầy trong bản thân mình. Và là việc mình nhận ra, nỗ lực sửa (có cái còn chưa sửa được, viết ra để nhắc bản thân mình!). Tiếp đến nữa, đành phải viết trước những điều chưa tốt, song mong mọi người đừng nhìn vấn đề theo kiểu “vạch áo cho người xem lưng”, rồi nói ngay rằng, ôi trường Steiner nói chung hay TX nói riêng, đầy vấn đề! Mình đã phải vượt qua các gọi là, thôi đừng nói, nói rồi mọi người nhiều chuyện, bé xé ra to, mệt lắm! Mong rằng chúng ta sẽ cùng nhìn những vấn đề một cách tích cực nhất nhé!
Hôm nay sẽ nói về kỳ vọng, có lẽ cần vì năm nay trường tiểu học Tre Xanh có nhiều học sinh mới, đồng nghĩa với nhiều phụ huynh mới, với bao nhiêu là kỳ vọng (dùng từ này có đúng chưa nhỉ?).
Trước tiên, mình xin nói là bản thân mình cũng đầy kỳ vọng. Khi cho Táo vào trường Tre Xanh (hồi đó là mầm non Thỏ Trắng), bắt đầu từ hè cuối cùng của mầm non chuẩn bị lên lớp 1. Ôi chao, chắc các cô Thỏ Trắng chẳng thể quên, những gì mà bạn Táo đã gây ra ở trường, và mình biết thì khỏi nói mình sốc thế nào? Cứ cho rằng, mình nghĩ đã chọn được môi trường thần tiên, tốt nhất cho con. Thế thì, mọi chuyện, đồng nghĩa với mọi vấn đề của con, khi vào trường sẽ biến mất. Ờ, chắc là mình đã nghĩ như vậy đấy! Thế mà bạn Táo đã có khi bực là sẵn sàng đá văng em nhỏ ra xa (khổ cái vào mầm non thì bạn to khỏe nhất rồi). Các cô Thỏ Trắng thường giải quyết khi một bạn lên cơn giận dữ và gây bạo lực bằng cách ôm bạn vào lòng, mà hồi đó hình như chỉ có một cô có khả năng ôm chặt Táo thôi, còn có cô cũng bị văng ra luôn. Tiếp tục bao nhiêu là chuyện khiến mình tự hỏi, mình lựa chọn có đúng không? Vì sao Táo vào đây lại còn hư và nhiều vấn đề hơn khi ở trường cũ? Chưa kể việc lật ngược lại vấn đề là liệu trường cũ có “ém nhẹm” hoặc ngược lại, trường mới có “làm hư” con? Ấy là còn chưa kể việc cho con đi học một trường có nền giáo dục hoàn toàn mới, là gặp sự phản đối của người thân, bạn bè, và những lời “hỏi thăm” hoặc “nhận xét” ngay và luôn, theo kiểu “mẹ nó chọn tầm bậy cho nó rồi đó!” cũng khiến cho bạn áp lực không kém!
Chúng ta kỳ vọng gì hiện nay? Theo xu hướng chung có vẻ chúng ta đang muốn lật ngược lại mọi giá trị cũ mà chúng ta thấy có vẻ như không còn phù hợp. Có vẻ như thời đại mới cho chúng ta quyền tự do vô đối để thậm chí “chửi bới” cả những gì từng cao quý nhất, và những người như bác sĩ, thầy giáo sẽ bị chĩa mũi dùi kinh khủng nhất. Một lỗi nhỏ của họ sẽ trở thành vấn đề không thể dung thứ. Vậy chúng ta kỳ vọng gì? Khi mà cho con đi học trường công thì vừa ghét vừa sợ cô, đi học trường tư thì khiến cô vừa sợ vừa ghét (nói quá không nhỉ?). Ngày xưa, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, ngày nay thì sao nhỉ? Muốn con hay chữ phải đưa phong bì ư?
Phải công nhận là có những phụ huynh cho con vào trường TX chỉ khi không còn lựa chọn nào khác, kiểu như con mình không thể hòa nhập ở trường công, thì chọn làm giải pháp cuối cùng. Thế Waldorf Steiner là gì, vẫn còn là những câu hỏi căn bản nhất. Thế kỳ vọng gì, à, là những điều tốt đẹp nhất. Tốt đẹp như con mình sẽ ngoan như thiên thần, tài giỏi như thần đồng, phụ huynh không phải làm gì cả. Kỳ vọng nhiều thì sẽ dễ thất vọng.
Ở đây xin nêu vài kỳ vọng thường gặp nhất thôi ạ. Thứ nhất, mong con sẽ ngoan như thiên thần, mọi vấn đề về học thuật lẫn tính cách sẽ tan biến như sương mù gặp nắng mai? Dạ thưa không? Giáo dục Waldorf không phải là cây đũa thần, giáo viên không phải là bà tiên, đương nhiên. Thứ hai, đã vào đây thì mọi việc phải chuẩn, phải tốt, phải sạch, phải đẹp. Dạ thưa không nốt, làm sao được! Thứ ba, tôi sẽ không còn phải cho con đi học thêm học bớt, không còn phải lo lắng chuyện chi nữa. Dạ đúng, nhưng chưa đủ, một trường Waldorf Steiner vẫn theo tiêu chuẩn nhà trường – gia đình – xã hội, một đứa trẻ không thể phát triển toàn diện nếu nó không được sống trong cả ba môi trường cũng toàn diện.
Nhớ lại cũng vui, hồi cậu em mình nhận xét: “ở trường cũ đứa nào cũng như cô chiêu cậu ấm (quần áo chỉn chu, tóc tai gọn ghẽ), còn trường này bọn nó nhìn như …” thế là mình nói luôn: “… như ăn mày chứ gì!” Cậu em cười ha hả “đúng rồi á!” Còn gì, ở trường này đứa nào đứa này mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tóc tai bờm xờm cả lên, mặt mày lem luốc. Kiểu như Táo thì quần áo coi như thành giẻ lau với cơ hồ vết mủ, vết bẩn giặt không ra, tay chân sứt sẹo vì côn trùng cắn rồi gãi lở ra, bầm, trầy, đứt … các thể loại.
Như bài An Toàn đã nói, giai đoạn đầu đứa trẻ của mình có thể bộc lộ tùm lum thói xấu, có thể là học của cả lớp, hoặc giả của chính nó giờ mới được bộc lộ ra. Thậm chí, đó còn có thể là hệ quả của tâm trạng lo lắng, căng thẳng của phụ huynh trước áp lực ngó nghiêng của những người xung quanh về lựa chọn của mình, và áp lực cho chính mình liệu mình có chọn đúng không, cộng với những kỳ vọng con phải ngoan ngay, phải vui vẻ ngay, phải sáng tạo đặc biệt ngay. Con đường từ thực tế đến lý tưởng, cho con, cho phụ huynh, cho giáo viên, cho nhà trường, là một con đường xa ngái, bao giờ chả thế. Bạn đã nghe câu: “There’s no way to happiness/freedom. Happiness/Freedom is the way.” (Không có con đường đến hạnh phúc/tự do. Hạnh phúc/tự do chính là con đường bạn đang đi đó.) Mình đã nhận ra là hãy tận hưởng mọi cung bậc trên con đường mình đang cùng con đi. Thấy con nở nòi hư hỏng thì thấu hiểu, chấp nhận và cùng tìm ra giải pháp. Thấy con tiến bộ, hạnh phúc, tốt đẹp thì cùng vui, tự khen bản thân mình, để lấy năng lượng đi tiếp. Trước mặt rồi cũng tiếp tục cả tốt cả xấu, với mức độ cao cấp hơn ấy mà.
Tạm kết cho chuyện kỳ vọng, thì, mượn lại câu của thầy Benno, rằng ước vọng của chúng ta sẽ thành hiện thực (coi như Luật hấp dẫn đi), nếu chúng ta biết (knowing) nó sẽ là như thế, chứ không phải là kỳ vọng, mong mỏi (longing) cho nó. Hãy có niềm tin mạnh mẽ vào điều tốt đẹp, song cần thực tế và tự mình nỗ lực vươn đến nó. Mình nghĩ mình đã nhận ra mình cần làm gì, chung tay tạo nên điều tốt đẹp cho con. Làm công việc dịch thuật cho trường, cùng giáo viên trao đổi, thấu hiểu vấn đề của con và cùng tìm giải pháp cũng như thực hiện nó. Thay vì sợ, hãy yêu. Thay vì tức giận, thất vọng, hãy chấp nhận, hy vọng. Thay vì phê phán điều chưa tốt, hãy tìm và ngợi khen điều tốt. Thay vì kỳ vọng ở người khác, hãy nỗ lực ở chính bản thân mình.
P. S.: À, phải đề cập ngay một chuyện nóng hổi. Mình hay đùa là mấy người Waldorf Steiner sống chậm lắm, low tech lắm. Thầy cô hiếm khi trả lời ngay facebook, email, thậm chí nhận điện thoại, tin nhắn. Gặp trực tiếp trước hay sau giờ học thì thầy cô cũng còn bận bịu trông trẻ. Thôi thì mọi người hãy hiểu cho việc, thầy cô mà dành thời gian trên mạng, trò chuyện với chúng ta, thì lấy đâu ra thời gian mà hiện diện bên trẻ để dạy và chăm sóc trong giờ, rồi soạn bài, chuẩn bị bài, học tập nâng cao chuyên môn, tâm thức sau giờ dạy, ấy là còn chưa kể thời gian cho bản thân để tái tạo sức lao động, niềm vui của chính thầy cô. Xin hãy hiểu, và hãy hỗ trợ thầy cô heng.