Đây là lời tự thú và chia sẻ của một bà mẹ Thiên Thượng hoả, bản ngã màu cam, chiến binh xuyên đời :).
Bà mẹ đó có một đứa con đầu ngoan hiền thin thít, có màu hồng bao dung như màu sen nơi cửa Phật, tạo điều kiện cho bả có thể la ra rả mà con cứ im thin thít nên bả càng dễ giận. Với bạn này thì chỉ có chuyện bị bạn “bụp”. Mới đi nhà trẻ ngày đầu, về nhà nguyên cánh tay bầm 5 – 6 vết cắn liền nhau. Mẹ nổi nóng hỏi con: “Bị cắn thì đi chỗ khác, sao cứ đứng đó cho bạn cắn tiếp vậy!” Là vì họ giành nhau đứng ở cửa chờ mẹ về đó mà. Tuy nhiên, kể từ ngày đó, chưa bao giờ mẹ giận cô, bực cô, khi con bị bầm, sứt vì té, vì bị bạn đánh, cắn. Vì mẹ hiểu ở nhà chưa chắc mẹ trông con “không tì vết”, đi học, bạn mà chụp con “bụp” như tia chớp, cô là thánh cũng không cản kịp. Chỉ cần khi trả con, cô nhớ thông báo con đã bị gì cho mẹ biết là được, mong cô đừng giấu.
Rồi tiếp đến, bà mẹ đó có đứa con thứ hai, có một tính lửa kinh khủng khiếp từ khi mới ra đời. Đứa con này, dĩ nhiên, chỉ vài ba bận bị “bụp”, còn lại mấy chục bận là nó “bụp” người ta. Chắc cũng để mẹ nó biết được cảm giác bị mắng vốn là như thế nào? Tuy nhiên, may mắn là trong thời mẫu giáo, nó có được những cô giáo và những bậc phụ huynh cùng lớp rất dễ thương, mẹ nó thường được đọc liên tục những lời thông báo rằng “vẫn chọc, vẫn đánh bạn” chứ thường không bị mắng vốn gì!
Vấn đề sẽ xảy ra trực diện và bùng nổ khi nó thực hiện việc bạo lực, “bụp” bạn nó và cả người lớn trước mặt mẹ nó. Bà mẹ này có thời gian dài ngại ngần không muốn đưa nó ra ngoài đi chơi, vì sợ phiền người khác mỗi khi nó nổi cơn giận lôi đình. Thậm chí mẹ nó sẵn sàng tha lôi 2 đứa con đi phượt một mình nơi đất khách. Lý do là đi theo tour, sẽ làm ảnh hưởng lịch trình và những người đi cùng. Đi ở đất Việt là nơi bất kỳ ai cũng có thể phê bình, nhận xét, góp ý, tham mưu, tò mò, tọc mạch chuyện mẹ dạy con. Vì thế, đi một mình và đi nước ngoài thì dễ hơn!
Sau khi dài dòng trình bày hoàn cảnh, sẽ đi cụ thể vào việc, bà mẹ đó đã rút ra được gì sau quá trình tìm cách thay đổi chính mình và giúp con thay đổi bản thân con. Tới nay, nếu so với mặt bằng trầm tĩnh, ngoan hiền chung thì chắc bạn Táo điểm vẫn chưa tới đâu. Song so với trước đây thì cho mM tự nhận xét là cả 2 mẹ con đều có tiến bộ vượt bậc.
Thái độ của mẹ: mẹ là tấm gương của con, là neo năng lượng, là điểm tựa tinh thần của con. Vì thế, mẹ là người đầu tiên phải trầm tĩnh, dịu dàng, mực thước, “bánh bèo vô dụng” thì càng tốt. Tránh tối đa nói nhiều, nói dai, giải thích, giảng đạo, dạy đời vân vân và vân vân.
Việc làm cụ thể của mẹ:
Điều đầu tiên là cố gắng đừng nói.
Nhất quyết không nói, mỗi khi muốn nói, hãy cố im lặng.
Chỉ cần cảm giác yêu con thật nhiều, thật sự là chỉ cần như vậy.
Rồi cảm nhận việc tha thứ cho mình, và tha thứ cho con. (Đừng vội day dứt, áy náy việc mình dạy con chưa tốt, con đánh bạn như vậy thật là xấu mặt, thật là tệ hại…). Hãy yêu thương mình và yêu thương con, hạ hồi phân giải. Việc này cực khó với bản thân mM, đến giờ vẫn còn phải thực hành. Nhiều khi thấy con “bụp” bạn là mẹ chỉ muốn “bụp” con ngay lập tức ấy!
Thật ra, khi một đứa trẻ đánh bạn, có rất nhiều nguyên nhân. Và nhiều khi ngay lúc đụng vào người bạn, lòng của đứa trẻ đã tràn đầy ân hận rồi, không cần người lớn phải chỉ ra đó là sai, là xấu đến thế nào. Việc người lớn nhào lại răn dạy, có khi tạo một tác dụng ngược khủng khiếp! Hãy để dành khoảng lặng cho con có cơ hội được ân hận và đau lòng về việc mình đã làm.
Nếu sự việc xảy ra ngay trước mặt mẹ và không có cô ở đó (nếu có cô giáo và cô giáo muốn xử lý, hãy để cho cô xử lý), thì mẹ nên làm các bước sau (theo hướng dẫn của cô Kathy, giáo viên dạy khoá cô giáo Steiner):
– Hãy ngăn cản nếu có thể và giúp cho hai bên hạ hoả.
– Với bạn đang nổi nóng, có thể ôm lấy bạn ấy để bạn ấy bình tĩnh lại. Tuy nhiên, với những bạn không muốn được ôm trong hoàn cảnh này, đừng cố. Thay vào đó, chỉ đứng bên cạnh bạn và thực sự có mặt bên cạnh bạn.
– Ngay khi trẻ đánh bạn đã tạm bình tĩnh, quay sang vỗ về bạn bị đánh. Cũng ôm và giúp bạn ấy bình tĩnh và sơ cứu vết đánh (nếu cần).
– Tiếp đó, dẫn 2 bạn đến một chỗ riêng. Rồi ngồi bên nhau (người lớn có thể ngồi ở giữa), cho đến khi bạn đánh xin lỗi bạn bị đánh, và bạn bị đánh đã thật sự cảm giác bỏ qua được. Nếu gặp trúng bạn bị đánh là người thích khóc, thì bạn đánh hãy chịu đựng có thể là nửa tiếng nghe bạn kia thút thít đến khi bạn kia có thể ngưng khóc.
(Phản ứng đánh hay khóc để có được điều mình muốn, bản chất là giống nhau, chỉ khác biểu hiện của 2 tính khí khác nhau).
Nếu sự việc đã xảy ra ở lớp, và khi đón con phụ huynh mới biết. Đây là cách gần đây mM làm với Táo:
Dĩ nhiên là chỉ sau khi mM đã bình tĩnh lại (mM mà ko bình tĩnh, thì cũng nói như điên).
“Hôm nay trên lớp có chuyện phải không con?”
“Con có muốn kể cho mẹ nghe không, mẹ sẽ lắng nghe!”
Nếu con kể, mM nghe với thái độ trung tính nhất, chỉ tập trung lắng nghe thôi.
Nếu con không kể, thì chỉ cần nói: “Khi nào con muốn kể, thì con kể nha, mẹ sẽ lắng nghe!”
Nếu nhìn thấy con buồn, mM nói: “Con buồn hả? Nếu buồn thì cho mẹ ôm cái nha!”. Rất nhiều khi bạn cho ôm, mẹ ôm là bạn oà lên khóc. Nếu bạn khóc, hãy ôm bạn và vỗ về và yêu bạn thật nhiều.
Vậy thôi á! Bản thân con cũng cảm giác khó chịu lắm, không vui vẻ gì đâu!
Chỉ cần vài lần thế này, thì con sẽ bắt đầu kể việc đã xảy ra. Vẫn tiếp tục nghe với thái độ trung tính nhất, tình cảm thì hãy yêu thương và bao dung nhất.
Kinh nghiệm cho thấy, phụ huynh càng bình tĩnh, mọi chuyện sẽ càng được giải quyết nhanh hơn. Các bạn nhỏ thật ra tự xử lý với nhau rất tốt. Bạn nào gặp vấn đề khó khăn (như Táo), điều phụ huynh cố gắng làm là bao dung, yêu thương, và hãy “xử lý” bản thân mình trước.