Đây chỉ là vài chia sẻ rất đơn sơ từ một kẻ ngoại đạo: mới đi học, chưa đi dạy; mới chỉ dịch tài liệu, chưa có thực hành gì nhiều.
Nhân có bạn hỏi ở Steiner, làm giáo viên mầm non có khác với giáo viên tiểu học nhiều không?
Thưa có, rất nhiều! Bạn T từng nói: cứ tưởng học xong khoá giáo viên mầm non rồi, đi làm giáo viên tiểu học thì chỉ phải học thêm xíu thôi. Ai ngờ là phải đi học lại từ đầu.
Cô Thanh Cherry rất nghiêm, những ai định làm giáo viên mầm non, thì tốt hơn là không nên đi học làm giáo viên tiểu học, tránh việc áp dụng rối loạn, sai lầm biện pháp dành cho các lứa tuổi khác nhau.
Đây là cảm nhận của kẻ ngoại đạo, do làm người thông ngôn nên may mắn được tham dự cả 2 khoá đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học. Đồng thời cũng dịch tài liệu tùm lum cả mầm non và tiểu học. Một người cực kỳ duy ý chí, trọng lý trí, khoái phân tích logic tùm lum tè le. Việc bảo hãy học một khoá thôi, ban đầu dễ phản ứng dữ dội, biết nhiều càng tốt chứ sao, và tất cả phải là một hệ thống. Thưa vâng, cực kỳ chính xác, tuy nhiên, “yếu không nên ra gió”. Nếu chưa vững mà cái gì cũng biết, thì chỉ tổ đem con ra làm “chuột bạch”. Cái này mM đã làm với Táo rồi ạ.
Nãy giờ nói dài để xác định là làm giáo viên mầm non của Steiner đòi hỏi các kỹ năng, kiến thức rất khác với làm giáo viên tiểu học. Bởi mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đòi hỏi người giáo viên đáp ứng khác nhau. Muốn thật sự dạy trẻ cả cái đầu – tim – đôi tay đầy đủ, phải nắm rất vững đầu tiên là giai đoạn phát triển của trẻ thời kỳ cụ thể, và có những kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy trẻ thời kỳ đó.
Nói ngắn gọn nhất về các giai đoạn phát triển thì phần chân tay (limbs), hay còn gọi là phần ý chí (will), phần làm (doing) – được tạo dựng chủ yếu ở khoảng từ 0 – 7 tuổi. Phần nhịp điệu (rhythmic), phần của hệ tuần hoàn, hay phần thuộc về trái tim (heart), cảm giác – phát triển chủ yếu vào khoảng 7 – 14 tuổi. Phần đầu (head), suy nghĩ – phát triển ở tuổi 14 – 21. Hay như chúng ta hay nói về Chân (giai đoạn 0 – 7 tuổi), Mỹ (giai đoạn 7 – 14 tuổi) và Thiện (giai đoạn 14 – 21 tuổi). Mỗi giai đoạn trẻ cần được bảo vệ và tập trung phát triển các giác quan khác nhau.
Do đó, người giáo viên mầm non (giai đoạn 0 – 7 tuổi, cụ thể là từ 3 – 7 tuổi), cần yêu thương, bảo vệ, ôm ấp trẻ. Tạo cho trẻ một môi trường như ở nhà. Các hoạt động thường xuyên của người giáo viên là kể chuyện, ca hát, chơi đùa và cùng làm những việc như ở nhà với trẻ (lau dọn, nấu ăn, giặt xếp ủi quần áo, vải vóc, may vá …). Giáo viên mầm non cần học các kỹ năng kể chuyện, sáng tác chuyện, hát, sáng tác bài hát, đánh đàn lyre, kỹ năng nói và diễn đạt (speech), kỹ năng vận động có nhịp điệu (eurythmy), nặn sáp ong, làm búp bê và đồ chơi từ các nguyên liệu thiên nhiên, đan móc, may vá, sơn tường, nấu ăn, cắm hoa, trang trí, vẽ và hiểu biết về tranh vẽ của học sinh …
Người giáo viên tiểu học (giai đoạn 7 – 14 tuổi, tức là lớp 1 đến lớp 8), cần yêu thương, thấu hiểu, và đồng hành cùng trẻ trong quá trình học hỏi tri thức. Tạo cho trẻ môi trường đẹp đẽ để học. Người giáo viên ở giai đoạn này được gọi là Class teacher, sẽ chịu trách nhiệm hầu hết các môn học của trẻ, từ văn đến toán, đến vẽ nét, thiên nhiên quanh nhà, thổi sáo, đánh đàn, ca hát, nấu nướng, làm vườn. Riêng môn ngoại ngữ có giáo viên bản xứ dạy. Từ lớp 3 trẻ bắt đầu học nhạc lý thì có thể có giáo viên bộ môn nhạc. Có thể có giáo viên dạy làm vườn. Lớn hơn nữa mới bắt đầu có giáo viên dạy bộ môn khoa học. Còn lại, giáo viên tiểu học phải “ôm” hết. Cho nên giáo viên tiểu học phải biết làm mọi thứ đều đẹp: từ vẽ tranh bằng bút sáp trên giấy, viết chữ đẹp, vẽ phấn trên bảng vừa đẹp vừa nhanh, nặn sáp, nặn đất sét, làm mộc, làm nhà, nấu ăn, đan lát, may vá, thêu thùa … Biết sáng tác bài hát, sáng tác truyện, thơ văn, biết cả làm sách cho học sinh đọc (vừa sáng tác, vừa vẽ và viết thành cuốn sách). Hiểu biết sâu rộng về văn chương, khoa học, để dạy các con vừa sâu vừa rộng về những môn này, qua những cách thức sáng tạo và hấp dẫn.
Cảm nhận riêng của mM thì giáo viên mầm non gần với việc làm cha mẹ hơn, còn giáo viên tiểu học gần với việc làm người dạy dỗ hơn.