07.10.2020
Một số bạn hỏi mình lớp của Táo sẽ học được đến lớp mấy? Vì Táo nhà mình đang ở lứa đầu tiên của Giáo dục Steiner Waldorf tại Việt Nam. Tin chắc rằng mỗi cha mẹ của lớp học đầu tiên này đều có thể viết một câu chuyện thật hay về lựa chọn, về những suy nghĩ, trải nghiệm… của mỗi gia đình, chẳng qua vì mọi người không viết thôi. Mình cũng khá bận, song mấy hôm nay ngủ cũng không yên nếu chưa trả lời, nên mình sẽ viết tạm một số điều cơ bản nhé. Đây hoàn toàn là chia sẻ từ trải nghiệm của chính bản thân mình, không nên và không thể trở thành chuẩn mực chung của bất kỳ điều gì nhé!
Hiện tại lớp của Táo là lớp 7, không có điều gì đảm bảo chắc chắn lớp học này sẽ đi cùng nhau tiếp đến lớp mấy cả? Cho dù đầu năm các phụ huynh lớp đã ngồi lại với nhau cùng cô chủ nhiệm và thầy phụ trách trung học để nói chuyện, trao đổi. Về nhà, hình như chỉ có mình nhắn tin lại là mình xin hứa sẽ cho Táo đi đến cùng với lớp (trừ khi sau này học phí tăng mà mình không kham nổi thôi). Điều này hoàn toàn tự nhiên nốt, mình không hề có tình cảm lăn tăn gì khi các phụ huynh còn lại không nói gì cả. Có lẽ cũng chỉ có mình, đã từng chia sẻ trên trang FB, rằng mình sẽ cho Táo đi đến cùng của nền giáo dục này. Dẫu rằng, đến thời điểm hiện tại, đến cùng của Táo cũng chưa biết là đến đâu. Vì nếu đến một ngày nhìn qua nhìn lại còn mỗi một mình Táo, thì điều gì sẽ xảy ra, mình không thể nói trước được. Bởi sẽ đến một ngày, bạn Táo sẽ có quyền quyết định, chứ không chỉ có mẹ bạn là mình nữa. Và liệu, bạn có chọn tiếp tục đi theo giáo dục Steiner Waldorf, và là Steiner Waldorf theo kiểu gì nữa chứ?
Lớp 7 của bạn ở ĐX hiện tại, còn 7 học sinh. Chương trình học thì đầu năm nay, mọi người (phụ huynh và thầy cô) đã đi đến kết luận là sẽ bắt đầu cho các bạn xem thêm video, giải thêm bài tập theo chuẩn bên ngoài “cho giống với người ta”, với một mục tiêu chẳng hạn đến lớp 9 thì các bạn có thể thi ra học trường bên ngoài (ở những trường chấp nhận không học học bạ vì hiện tại các bạn không có học bạ). Hoặc tốt hơn nữa, thì các bạn có thể cùng nhau đi đến lớp 12, thì đến lúc đó các bạn cũng đủ sức thi vào đại học “cho giống với người ta”, vào bất kỳ trường đại học nào chấp nhận chỉ thi đầu vào, hay một kết quả kỳ thi tốt nghiệp, chứ không đòi một học bạ 12 năm qua.
Bản thân mình, ngay từ ngày đầu tiên, đã xác định cho con học theo nền giáo dục này, để con được chơi thêm ngày nào tốt ngày ấy. Đến khi mình bắt tay vào tìm hiểu và dịch tài liệu, mình nhận ra mình hiểu sai bét. Nếu người giáo viên thật sự thấu hiểu và đủ sức dạy các bạn theo tinh thần giáo dục Steiner Waldorf, thì các bạn học nhiều, học sâu, học rộng kinh khủng hơn bất kỳ kiểu giáo dục nào khác! Tuy nhiên, sự thật không thể chối cãi là có bao nhiêu người giáo viên đã đủ trình, đủ tài, đủ đức để hiểu cặn kẽ và truyền tải được bao nhiêu phần của nền giáo dục này cho trẻ. Và với một nền giáo dục không kiểm tra, không thi cử, thậm chí không thưởng phạt, học đơn thuần để cho chính mình, để hiểu mình và hiểu thế giới, nó cũng không khác là bao với quan niệm về một xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” hay một tình yêu vô điều kiện, mà hình như, vẫn chỉ là trong mơ (ước).
Do đó, việc bạn đi tìm một nền giáo dục khác, một trường học khác, nơi con không bị áp lực học hành, sợ thi cử, sợ học, sợ thầy cô. Song bạn mong chờ rồi con lại có thể ra ngoài học được ngay với trường ngoài? Thì tự bạn có thấy mâu thuẫn không? Cũng không có nghĩa, bạn cho con vào trường này, là bạn chấp nhận cho con chơi tràn, tự do đến thái quá, muốn làm gì cũng được, đương nhiên bạn có những tiêu chuẩn, yêu cầu, và điểm tối thiểu bạn chấp nhận. Chưa nói bạn còn kỳ vọng ngút ngàn với triết lý cao đẹp của nền giáo dục này nữa ấy chứ! Vậy thì, thay vì hỏi mình, bạn cần đến trường, trò chuyện và tìm hiểu chính người giáo viên sẽ dạy lớp con bạn, thậm chí nếu được, gặp gỡ với cả các phụ huynh hay các học sinh lớp con bạn sẽ học. Đi trên cùng một con thuyền, mà liệu bao nhiêu phần chúng ta sẽ giống nhau, rồi có hòa hợp được không, có vui vẻ lâu dài với nhau được chăng? Những điều này, cũng suốt 6 năm qua, đến ngày hôm nay mình mới hiểu được ra phần nào đấy!
Vậy thì lại quay lại từ điểm xuất phát, và phải là như thế, bản thân bạn, là cha mẹ, bạn muốn con bạn học cái gì? Và thật sự bạn đang sợ điều gì? Bạn mong cầu con bạn cần có được gì, đạt được gì, khi học ở đây?
Phải chăng, cái câu cửa miệng: “Con học bài chưa?” hay những câu hỏi xã giao: “Con học lớp mấy?”, “Thi vào Đại học gì?”, “Con cái học hành ra sao?” ẩn sau là cái gì? Có phải là “nhân bất học, bất tri lý”? Hay cụ thể hơn “không học thì chơi lông bông, hư hỏng”, “không học sau này không kiếm được việc làm, không tự nuôi thân, không có tiền” cho đến “không làm nên danh phận, không mở mày mở mặt được!”
Là người lớn, chúng ta đi làm để kiếm tiền, thời nay, đa phần để trả tiền cho con cái học hành, học đủ thứ. Để chi? Để mong sau này con sẽ tự lập, tự lo được đời nó, sau đó mới là cho mình nở mày nở mặt, hoặc là để con thực hiện những ước mơ đời mình chưa thực hiện được.
Nếu cứ makeno đi, không học cũng được, đi học căng thẳng quá thì nghỉ, có được không? Ơ sao được! Nó nghỉ thì ai trông? À, hóa ra trường lớp là nơi trông trẻ. Chứ nó ở nhà mình biết làm gì với nó? Dạy con, xem ra chẳng đơn giản. Thậm chí ở nhà cùng con 24 x 7 có khi cũng trở thành ác mộng. Chỉ mong có chỗ giữ nó để mình đi làm kiếm tiền trả cho chỗ giữ nó mà thôi.
Loanh quanh, luẩn quẩn, lòng vòng, y như cái vòng quay con chuột đáng thương của xã hội loài người vẫn thường nhắc tới.
Rồi, mà học để làm chi? Thật ra học để có cái bằng, hay rõ ra hơn là cái học bạ? Ủa mà có học bạ, có bằng tốt nghiệp luôn á, thời nay có bảo đảm là sẽ tìm được việc không? Mà tìm được việc rồi có đảm bảo đủ sống không? Ủa mà đủ sống rồi có đảm bảo hạnh phúc không?
Chắc chắn là không! Nhưng cứ phải có cái bằng trước đã. Cho đảm bảo. Hay là cho đỡ sợ!
Chính mẹ mình cũng nhắc mình hoài, rằng thật ra chính mình phải có cái bằng, bằng thạc sỹ nước ngoài lận đấy, thì giờ mình mới làm việc được thế này, mới suy nghĩ thấu đáo được thế kia, nên đừng bảo con mình sau này không cần học, không cần vào đại học, không cần có bằng cấp gì! Điều mẹ nói làm mình suy nghĩ chứ, kiểu như, ừ chính mình đã học không ít, biết không ít. Đơn cử như nếu con mình đến lớp 7 rồi vẫn chưa chịu học Anh văn, mình cũng không lo quắn lên ép nó học, vì đến khi nó muốn học, tự mình dạy nó được. Còn nếu, bản thân mình không biết gì hết, không biết một chữ tiếng Anh, thì mình có bình tĩnh thế không? Mình không dám chắc được đâu, vì mình biết Anh văn mà, có phải không biết đâu mà trả lời được cái vế kia?
Thế thì quay lại, bây giờ các bạn hỏi mình, tương lai của Táo sẽ thế nào, sau này đi học ở đâu? Nếu các bạn hỏi mình cách đây 5 năm, mình sẽ nói “thầy cô nước ngoài bảo đảm, học xong lớp 3 thì đi đâu ra ngoài cũng học được hết!” (à, mà điều này đúng nha các bạn, ở cả Việt Nam). Nếu cách đây 3 năm, mình sẽ nói “khó quá thì đi làm học bạ, chỉ sợ không có tiền thôi! Rồi cho con luyện cấp tốc lấy kiến thức cơ bản để học được ở ngoài!” Nếu cách đây 2 năm, mình sẽ nói “thì cho con học các chương trình online, tự học!” Còn nếu bây giờ, mình sẽ nói “hiện tại con đang rất vui, rất hạnh phúc với những gì con đang được học, với bạn bè thầy cô con đang có. Đang sung sướng thì tận hưởng, sao cứ phải lo cho tương lai bất định và đau khổ! Sướng thì cứ sướng đi, khổ tính sau. Ủa mà chắc gì đã khổ!”
Tại sao mình trả lời như thế, vì chính mình đây, mình đang nghĩ học để làm gì, và mình đang sợ điều gì! Sự thật của mình nhé, đầu tháng này mình chật vật xoay đủ tiền để đóng học phí cho con mình đấy. Nhưng đủ tiền đóng rồi, mình thở phào, và mình lại vui vẻ làm những việc mình có thể làm. Cũng chưa biết tháng sau, tháng tới nữa, mình sẽ sống bằng những việc gì, dẫu rằng mình làm đầu tắt mặt tối, nhưng không phải việc nào của mình cũng làm vì tiền, làm ra tiền. Chính cái tình trạng hiện tại của mình, nó quyết định câu trả lời và chọn lựa của mình cho việc học của con. Cứ sống hết mình, làm hết mình, với những gì mình đang có, rồi đâu sẽ vào đấy cả.
Điều đó không có nghĩa, mình chả quan tâm con đang học gì, con học theo kiểu gì, con lĩnh hội được gì? Không, mình nghĩ mình biết đủ. Mình biết con đầu của mình đang học cho xong, làm vừa đủ để qua chương trình công (vì mình nói rõ mình không đòi hỏi con phải đạt thành tích gì, thậm chí mình còn khuyên con hãy ở nhà tự học nhưng con cần bạn bè nên không chịu). Mình biết con nhỏ của mình đang hạnh phúc với những gì được học, được tìm hiểu ở trường ĐX của nó, mỗi ngày vẽ vời, làm gốm, học văn, làm toán, đóng đinh, tập bóng rổ, đàn ca sáo nhị… vẫn đang thực sự là học để biết, học cho chính mình, không phải học để thi, học vì điểm, càng không phải xoay xở để đứng hạng bao nhiêu!
Tương lai, trong thời đại này, càng trở nên bất định. Một năm nữa thôi, dù muốn dù không, con đầu của mình phải xác định nó sẽ đi học đại, à học đại học, hay đi làm. Con thứ hai của mình, Táo, nếu may mắn, sẽ tiếp tục học tiếp những điều thú vị với các bạn ĐX của nó, còn tệ nhất, lớp không còn tiếp tục, thì mẹ con mình sẽ về quê để làm việc để có thể tự nuôi sống bản thân. Vì bạn không còn cần ở thành phố để theo học ĐX, thì mình muốn về nơi có thiên nhiên để sống, cái này là vì mình. Bạn Táo còn nhỏ, thì phải đi theo mẹ thôi. Còn bạn Táo học gì tiếp ư? Làm việc chính là học, học thêm điều mình thích, mình muốn biết, thời nay đơn giản lắm, lên mạng là có thôi mà. Khi đôi tay mình có thể làm việc, đầu mình có thể nghĩ suy, trái tim mình đủ biết khi vui, là đủ!
Ờ, mà nói thật ra điều này thì mình vẫn phải cảm ơn ba má mình ngày xưa đã vất vả làm lụng, chắt bóp để mình được học đến tận thạc sỹ, mà thạc sỹ ở nước ngoài đấy nhá (cũng tốn tiền của ba má lắm chứ bộ), để mình tự do tự tại như ngày hôm nay (dù rằng vẫn khiến ba má lo không biết ngày mai mình sống ra sao, đủ nuôi con không hehe). Song từng ấy điều mình có, chắc đủ để mình biết cần cho con mình học những gì, học bao nhiêu, ít nhất sau này ít lo như mình hiện tại là đủ nhỉ?
Mình rất tiếc nếu bài này của mình chả đem lại thông tin mà ai đó đang mong chờ! Mình giờ là a weirdo (dị) mà! Nhưng mình hy vọng đã trả lời đủ, để sau này các bạn không còn cần phải hỏi mình, ủa chứ sau này Táo sẽ học gì, học ở đâu? Theo Giáo dục Steiner Waldorf rồi sẽ đi đâu về đâu? Với mình, theo giáo dục Steiner Waldorf là để về với chính mình, một khi về được với chính mình thì đi đâu mà không đến được, một khi mình đã muốn!